Hơn 1 năm trước, giới DN BĐS ở Hà Nội “mắt tròn mắt dẹt” chứng kiến 7 dự án (cũng là con số 7 như hiện nay) được phép chuyển đổi/chấp thuận chủ trương chuyển đổi từ NƠTM sang NƠXH. Chỉ đạo của Tp.Hà Nội mở ra lộ trình “dễ thở” hơn cho nỗ lực cứu vãn dự án của hàng loạt chủ đầu tư đang vật lộn trong tiến độ - pháp lý - nguồn vốn.
Gói 30.000 tỷ đón chờ, những ưu đãi về chính sách thuế, sử dụng đất, không lo cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung dư thừa… đủ làm những tên tuổi như Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Bắc Hà; Công ty CP Sông Đà; Bánh kẹo Thăng Long; Vinaconex hay Viglacera vui ra mặt.
Chuyện hơn năm trước
Mới như “Bánh kẹo Thăng Long”, hay nhẵn mặt như Sông Đà, đều nắm giữ các dự án có quy mô rộng hoặc vị trí cực đẹp. Trường hợp của Sông Đà, là dự án khu nhà ở hỗn hợp 35 tầng đặt tại 143 Trần Phú (quận Hà Đông) với diện tích sàn xây dựng lên tới 48.444m2.
Ngược lại, DN chuyên mảng bánh kẹo lại tìm về Kim Chung (huyện Hoài Đức) để gây dựng tổ hợp nhiều tai tiếng AZ Thăng Long sau này. Ngay sau khi được rộng đường thủ tục để hạn chế điều tiếng dư luận, cả 2 dự án lập tức “bị” báo chí phanh phui những méo mó nội tình.
Không thành công như DN Bắc Hà tại dự án NƠXH 30 Phạm Văn Đồng, dự án của Sông Đà gặp lình xình do dấu hiệu “cầm đèn chạy trước ôtô”. Cụ thể, tới giữa tháng 7/2013, dự án 143 Trần Phú chính thức được Hà Nội cho phép chuyển đổi, sau khi Bộ Xây dựng “gật đầu” từ 3 tháng trước.
Ngày 24/7, chủ đầu tư tiến hành rầm rộ khởi công trong khi chưa có giấy phép xây dựng. Không chỉ vậy, công tác thi công dự án còn vấp phải không ít nghi vấn chuyên môn về vi phạm chỉ giới giao thông, khoảng lùi công trình (dự án nằm ngay mặt đường lớn Trần Phú).
Kịch bản “thoát hiểm bằng đường giấy tờ” đang được DN học tập nhau?
Đây là một phần lý do khiến dự án của DN họ Sông Đà vẫn chật vật tới ngày hôm nay, dù “lá bùa” NƠXH đã được trao hơn 1 năm trước.
Tiếp tới sự vụ tổ hợp NƠTM dịch vụ AZ Thăng Long. Được nêu danh trong list những dự án được chấp thuận chủ trương chuyển đổi từ lâu, nhưng vẫn loay hoay trước cánh cửa pháp lý.
Dự án đã mở bán từ trước 2013, nay “muốn” chuyển công năng, theo luật thì phải được khách hàng đồng ý. Đây chính là lý do khiến dự án “đi không được, ở chẳng xong”.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) xem xét hồ sơ chuyển đổi, nhưng khách lại dọa kiện cơ quan chức năng ra tòa, nếu duyệt hồ sơ. Chung quy cũng bởi cái “tội” 2 năm không làm xong móng của DN.
May thay, tới tháng 10/2014, nguồn tín dụng 1.100 tỷ đồng của BIDV cùng Quyết định 964/QĐ-UBND ngày 14/2/2014 của Hà Nội (đưa tổng mức đầu tư dự án lên 1.270 tỷ đồng) đã giúp chủ đầu tư… thở phào.
Chuyện Handico ngày nay
Trong chỉ đạo mới của Bộ Xây dựng, dự án đầu tư xây dựng NƠXH tại khu Đồng Mô (phường Đại Kim, Hoàng Mai) do Handico 5 làm chủ đầu tư sẽ dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Quy mô 6,8ha với 704 căn hộ, dự án đang được Bộ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho vay 150 tỷ đồng (tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng).
Trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Handico 5 không xuất hiện nhiều trong giới tạo lập nhà đất ở Thủ đô, lẫn các địa bàn trên cả nước. Chỉ sau sự kiện khu tập thể Bản đồ, 51 Huỳnh Thúc Kháng, bị đánh sạt một góc (do ngôi nhà số 49 liền kề bị sập), Handico 5 mới được biết đến nhiều hơn, với yêu cầu “xin đặc cách”.
Cụ thể, cuối tháng 3/2011, dựa trên khảo sát của Coninco về mức độ nguy hiểm của 2 đơn nguyên sau khi bị ảnh hưởng, Handico 5 đề xuất Thành phố được xây mới tòa chung cư 5 tầng thành tòa nhà hỗn hợp thương mại kết hợp căn hộ ở, để bố trí tái định cư tại chỗ.
Chủ đầu tư đề nghị Thành ủy và Sở Xây dựng xem xét, chấp thuận cho công trình này được đặc cách xây cao 17 tầng (!). Bất chấp ý kiến của Sở QH&KT, việc đề xuất lập dự án xây dựng cao tầng là chưa đủ cơ sở chấp thuận. Thay vào đó, Sở đưa ra phương án xây 8 tầng - Handico 5 lắc đầu vì không đủ chi phí bù đắp cho dự án.
Tình thế của chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng hiện chưa thay đổi gì. Toàn bộ cư dân khu tập thể Bản đồ vẫn đang “tạm cư” ở nơi khác để giữ an toàn tính mạng. Nhiều giả thiết đặt ra trong thế giằng co an sinh - quy hoạch - lợi ích riêng của DN tham gia xây dựng, cải tạo chung cư, tập thể cũ.
Nếu Handico 5 được chấp thuận xây dự án 17 tầng tại nội đô lịch sử (quận Đống Đa), “làn sóng” đề nghị cơ quan chức năng lập dự án xây dựng, cải tạo các tập thể cũ trong trung tâm Thủ đô sẽ lên cao. Bởi Handico 5 xin được “đặc cách” vượt cả Quy hoạch chung Thủ đô, lý gì phần còn lại không thể học tập?!
Còn về giới chuyên gia xây dựng, xây 17 tầng đồng nghĩa sức ép lên hạ tầng, móng các công trình lân cận sẽ gia tăng gấp đôi. Trong khi diện tích đất quy hoạch dự án không thay đổi, khả năng “sập tiếp” hoàn toàn có thể tái diễn và dự án lại xin lên cao hơn nữa?!
Handico 5 từng nhảy vào sân nhà thu nhập thấp với dự án N011A và N012-2 (Sài Đồng, Long Biên) vài năm trước. Tuy nhiên, dự án đầu tay của đơn vị này cũng chẳng “đẹp đẽ” cho lắm.
Tháng 10/2012, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện sai phạm mà chủ đầu tư phải trừ phần giá trên giá bán căn hộ cho khách hàng: dự án của Handico 5 tại Sài Đồng bị đội chi phí lên hơn 200 triệu đồng.
“Mẹ” của Handico 5 (Tổng Handico) cũng bị báo động hồi tháng 8/2013 vì chậm tiến độ, thiếu nhiều hạ tầng ở 4 dự án quy mô (tại quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì).