Luật Nhà ở 2014 có độ mở rất lớn để kích thích nguồn tiền nước ngoài chảy vào thị trường bất động sản (BĐS) nhưng việc có thu hút được đối tượng khách hàng này hay không còn phụ thuộc vào quá trình thực thi luật trong thực tế.

Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trên thị trường hiện nay đang có sự chuyển dịch dòng vốn rất mạnh từ các kênh như chứng khoán, vàng sang đầu tư BĐS vì nhiều người vẫn cho rằng đây là một kênh đầu tư an toàn và sinh lợi nhất hiện nay tại Việt Nam.

"Theo tôi, dự báo từ nay đến cuối năm 2015, thị trường BĐS trong nước sẽ "dậy sóng" bởi nguồn vốn nước ngoài vào thị trường. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, cộng đồng kiều bào ở các nước muốn mua nhà ở tại các thành phố lớn sẽ rất cao", ông Hiếu nói.

Thực tế cho thấy, hiện có khoảng 500.000 đến 1 triệu Việt kiều ở các nước thật sự muốn trở về quê hương sinh sống khi về hưu. Trong khi đó, giá nhà tại Việt Nam vẫn tương đối rẻ hơn so với những thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, thu nhập của người Việt ở nước ngoài ngày một tăng cao và muốn đầu tư vào BĐS nhà ở tại quê hương. Đây sẽ là một cơ hội rất lớn cho thị trường BĐS trong nước, kết hợp với những quy định mới cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở dài hạn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nói về tác động của nhóm khách hàng là người nước ngoài hay Việt kiều hiện nay đối với thị trường BĐS, các chuyên gia khẳng định chưa có dấu ấn rõ rệt dù doanh nghiệp trong nước đang thực hiện nhiều chiến lược kinh doanh mới.

Do thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật, người nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng vẫn còn khá e dè khi muốn mua, họ vẫn còn nhờ người thân tại Việt Nam đứng tên như hàng chục năm qua.

"Việt kiều rất muốn mua được nhà tại Việt Nam, trong đó những vị trí như khu Đông, khu Nam của TP.HCM vẫn là lựa chọn hàng đầu của họ. Tuy nhiên, chúng ta đang thực hiện chính sách ưu tiên cho đối tượng này theo hướng "nhã” từng bước một mà chưa thực sự ổn định. Hiện nay, pháp lý về BĐS đối với người Việt Nam đã rất chặt chẽ, vậy chúng ta càng siết chặt với người nước ngoài thì không thu hút được nguồn lực tài chính lớn này", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích.

Hiện, 5 nút thắt lớn nhất cản trở người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam có thể kể đến là việc chậm triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014; thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa; quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án BĐS là kiều bào vẫn chưa có; các quy định về mua bán nhà tại Việt Nam chưa được chuyển ngữ sang ngôn ngữ các nước trên thế giới; phương thức thanh toán cứng nhắc (người nước ngoài chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà nhưng chưa được phép chuyển ra nước ngoài lại sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở. Người nước ngoài cũng chưa được vay tiền mua nhà ở từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước).

Ông Vũ Hoàng Anh - Phó tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Phú Long, nhìn nhận, với chính sách mở cửa thông thoáng, lượng kiều hối cũng đang chảy mạnh vào BĐS, chiếm khoảng 21,8% tổng số kiều hối chuyển về địa bàn TP.HCM trong 7 tháng qua.

Tuy nhiên, để dòng vốn này chảy mạnh hơn nữa, Chính phủ cần sớm ban hành những Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể để cơ hội sở hữu nhà cho người nước ngoài dễ dàng hơn.

Hàn Nguyên (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.