Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN Việt Nam
Thưa ông, trong thời gian qua, việc ngân hàng Xây dựng được tái cơ cấu bằng phương án NHNN mua lại 100% vốn cổ phần khiến dư luận rất quan tâm. Vì sao NHNN không cho phá sản ngân hàng mà phải mua lại và mất nhiều thời gian tái cơ cấu?
Ông Nguyễn Phước Thanh: Trong thời gian qua hoạt động của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành ngân hàng vi phạm một số quy định của pháp luật. Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng, NHNN đã phải đặt Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật.
NHNN đã quyết định tổ chức Đại hội đồng cổ đông và đề nghị cổ đông bỏ thêm vốn. Nhưng cách đây gần một tháng, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông các cổ đông của VNCB không thông qua việc tăng vốn. Do đó, NHNN mua lại nhằm đảm bảo lợi ích người gửi tiền, còn những người đầu tư gây thất thoát mất vốn bị mất quyền lợi là đúng theo luật pháp.
Việc mua lại một ngân hàng đã hoạt động thua lỗ là nhằm ổn định chính trị, xã hội, tránh sự xáo trộn, bất ổn.
Từ nay khi nhà nước tuyên bố mua thì nhà nước chịu trách nhiệm với người gửi tiền. Điều kiện tài chính của Ngân hàng Xây dựng đủ điều kiện để phá sản, nhưng nhà nước không cho phá sản, và chưa cho trong điều kiện hiện tại để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Trong các giải pháp ông đề cập có việc đưa ra 40.000 tỉ đồng để ngân hàng này trở lại hoạt động bình thường, số tiền này lấy từ nguồn nào, có phải là tiền ngân sách không?
Số tiền trên đến từ rất nhiều nguồn. Trong đó có một phần nhỏ là tiền tái cấp vốn từ NHNN, mà khi tình hình ổn định trở lại VNCB phải trả lại cho NHNN, một phần nữa là VNCB bán nợ cho Công ty quản lý tài sản các TCTD - VAMC để có nguồn thu.
Ngoài ra, với việc NHNN đã trở thành chủ sở hữu, người dân sẽ yên tâm hơn trong việc gửi tiền vào VNCB, các ngân hàng lớn cũng đã hứa sẽ hỗ trợ bằng cách gửi tiền vào ngân hàng này. Như vậy VNCB sẽ có vốn đầu vô.
Một số ngân hàng sẽ cho VNCB cùng hợp vốn để cho vay các dự án, giúp ngân hàng bắt đầu hoạt động huy động – cho vay một cách bình thường như các ngân hàng khác. Nguồn tiền có được còn có thể đến từ việc thu hồi nợ của chính ngân hàng này.
Tôi cho rằng việc tạo dòng vốn ban đầu là quan trọng, sau khi có được lãi gộp từ hoạt động huy động, cho vay, tình hình tài chính của VNCB sẽ cải thiện.
Nhưng vì sao lại là 40.000 tỉ đồng mà không phải con số khác, thưa ông?
Theo tính toán của NHNN sau khi xem xét tình hình tài chính của VNCB, chúng tôi thấy rằng vốn ban đầu khoảng 40.000 tỉ đồng là phù hợp, để khắc phục tổn tại và hoạt động ổn định trở lại. Đó là dự tính ban đầu, không phải con số chắc chắn VNCB cần.
Vậy với những ngân hàng mà NHNN sẽ làm chủ sở hữu, phương thức thực hiện cũng như VNCB?
Tùy tình hình tài chính từng ngân hàng mà NHNN đưa ra phương cách xử lý phù hợp, cũng như khoản tiền bỏ ra phù hợp. Tuy nhiên, việc trước mắt vẫn là định giá lại tài sản của các ngân hàng đó, sau khi xác định chuyện âm vốn chủ sở hữu là có thì NHNN mới mua lại cổ phần để tái cơ cấu. Việc này cần một thời gian khá lâu để thực hiện. Sau đó NHNN sẽ tính toán tái cơ cấu cách nào để ít tổn thất cho nhà nước mà vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.