15/10/2020 8:41 PM
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện có 4 trạm BOT chưa triển khai thu phí được, không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư, nên sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.

Trạm Bỉm Sơn không đảm bảo hoàn vốn cho dự án, dự kiến sẽ báo cáo cấp thẩm quyền bố trí vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư. Ảnh: TL.

Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn thuộc lĩnh vực của mình. Trong đó, bộ này đã báo cáo về việc rà soát tổng thể vị trí đặt trạm thu phí, chính sách miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Một số trạm không nhận được sự đồng thuận của người dân

Về việc rà soát vị trí đặt trạm thu phí, theo Bộ Giao thông vận tải, việc rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập, vướng mắc về vị trí trạm BOT đã được bộ thực hiện và báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại nhiều báo cáo từ năm 2015 đến nay.

Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để xem xét một cách cẩn trọng và có nhiều chỉ đạo cụ thể và kịp thời. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đánh giá, đưa ra giải pháp nhằm khắc phục bất cập tại các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ.

Đến nay, 15/19 trạm đã được khắc phục, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đến nay đã ổn định. Đối với 4/19 trạm bất cập còn lại, do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, như trạm Bỉm Sơn (thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa), do trạm nằm ngoài phạm vi dự án, nếu tiếp tục thu phí để hoàn vốn, sẽ phát sinh nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Thực hiện kết luận của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn. Tuy nhiên, do hiện tại có 3 tuyến song hành; đồng thời trên tuyến có nhiều vị trí giao cắt nên các xe có thể tránh trạm, nên việc đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây không thể bảo đảm hoàn vốn cho dự án. Do vậy, dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư.

Trạm thu phí trên quốc lộ 3 (thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100), theo Bộ Giao thông vận tải, Bộ đã làm việc với tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên để thống nhất về phương án giảm giá. Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND tỉnh Thái Nguyên, còn một bộ phận nhân dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối.

Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với tỉnh Thái Nguyên để thống nhất phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trước khi cho phép nhà đầu tư tổ chức thu phí tại trạm quốc lộ 3 theo phương án miễn, giảm giá đã thống nhất. Tuy nhiên, trường hợp quá khó khăn, Bộ Giao thông vận tải sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm trên quốc lộ 3.

Trạm thu phí T2 (hoàn vốn cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và quốc lộ 91B), Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của các địa phương lựa chọn phương án không tiếp tục thu phí, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư quốc lộ 91B, giao TP. Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến quốc lộ 91B.

Đối với trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, theo Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương án không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn, bổ sung vốn nhà nước để hỗ trợ nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính. Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan không chịu tác động của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nên vẫn có thể xem xét tiếp tục cho thu phí.

Do có những khó khăn, vướng mắc về giải pháp xử lý các trạm bất cập nêu trên nên đến nay, các trạm vẫn chưa được thu phí, gây sụt giảm doanh thu tại các dự án. Trường hợp không được khắc phục sớm, sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của quốc gia cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân, tạo áp lực về ngân sách nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo.

Rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá tất cả dự án BOT

Về chính sách miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ, theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, 100% các dự án BOT do bộ quản lý đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá.

Đối với chủ trương giảm giá chung, chưa tăng giá, đến nay, có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng (trong hợp đồng dự án ký kết với nhà đầu tư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, chỉ số giá và phương án tài chính có thỏa thuận mức giá 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 18%/3 năm, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Tuy nhiên, do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá, do đó theo tính toán sẽ có nhiều dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu...

Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, tính toán cụ thể và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý./.

Minh Anh/Thời báo tài chính Việt Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.