Cách đây một năm, Henry To đã viết bài nhận định về 3 mã chứng khoán có tiềm năng đảo chiều nhất trên sàn chứng khoán của năm 2016. Thực tế là cả 3 cổ phiếu này đều tăng trưởng rất khả quan. Ví dụ như Coach - COH (từ giảm 2,86% đã tăng 21% trong năm 2016); Urban Outfitters - URBN (từ giảm 2,11% vọt lên tăng 42%) và Stillwater Mining - SWC (từ -2,81% đã tăng 99% trong năm nay).
Vàng được chuyên gia Henry To tin rằng sẽ tăng trưởng mạnh trong 12 tháng tới. Ảnh: AFP.
"Năm nay, ứng viên số một về khả năng tăng trưởng đảo chiều theo tôi chính là vàng", Henry To nói. Trong vòng một tháng qua, giá vàng đã mất 5,98% giá trị và nếu tính trong nửa năm, kim loại quý này thậm chí "bốc hơi" 12,55% khi giảm gần 163 USD mỗi ounce. Tuy nhiên, nếu tính cả năm 2016, giá vàng vẫn tăng 6,46%. Và Henry To nhìn thấy một xu hướng đi lên của vàng.
Dưới đây là 3 lý do khiến Henry To tin rằng vàng là khoản đầu tư có giá trị nhất trong năm tới.
1. Các chính sách đẩy lạm phát của Mỹ, Trung Quốc sẽ kích thích các quỹ đổ nhiều tiền vào vàng
Một trong những kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là cắt giảm mạnh thuế, điều này theo tính toán có thể khiến nợ của nước Mỹ đội thêm 7.200 tỷ USD trong 10 năm tới và đến 2036 có thể là 20.900 tỷ USD. Không chỉ vậy, với kế hoạch của ông Trump, Chính phủ sẽ phải phát sinh nhiều khoản chi tiêu và nợ công có thể tăng từ mức 77% GDP vào cuối năm 2016 lên 86% (tương đương 23.000 tỷ USD) trong 10 năm tới. Một nền kinh tế phải đội thêm nhiều khoản chi tiêu trong bối cảnh thị trường lao động và lương bổng thắt chặt chắc chắn sẽ thổi bùng tỷ lệ lạm phát.
Tương tự, những chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích thị trường bất động sản của Trung Quốc cũng khiến tỷ lệ lạm phát gia tăng. Giá nhà tại nước này từ tháng 4/2015 đã liên tục leo thang. Trong 3 tháng qua giá đồng và kẽm cũng tăng 20-25% do nhu cầu tại đây tăng.
Doanh số giao dịch vàng ở Trung Quốc hiện cũng tăng 25% so với ở Mỹ, điều này cho thấy các quỹ và nhà đầu tư của nước này sẽ "ôm" nhiều vàng hơn trong tương lai.
2. Nhu cầu vàng nữ trang ở Trung Quốc và Ấn Độ phục hồi
Theo Hiệp hội Vàng thế giới, nhu cầu vàng nữ trang toàn cầu đã giảm 21% trong quý III/2016 do nhu cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ suy giảm chưa từng có. Đây cũng là hai thị trường chiếm 60% nhu cầu toàn cầu với vàng nữ trang.
Tuy nhiên, theo Henry To, sự sụt giảm "chưa từng có" này sẽ không thể lặp lại trong năm 2017. Lý do là niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang suy yếu. Ngoài ra, nhiều nước cũng đã hạn chế nhập khẩu vàng Trung Quốc. Còn tại Ấn Độ, thuế nhập khẩu vàng cũng đã tăng lên từ đầu năm. Đất nước này cũng đang xảy ra cuộc khủng hoảng về tiền mặt khi Chính phủ muốn dùng những đồng tiền mệnh giá lớn hơn. "Với những lý do này, tôi kỳ vọng nhu cầu mua vàng tại cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong năm 2017", Henry To nói.
Bên cạnh đó, Henry To cũng dẫn lại thông tin từ Wo Shing Goldsmith, một nhà bán lẻ vàng lớn trụ sở ở Hong Kong, cho biết, doanh số bán vàng nữ trang của đơn vị này tăng 20-25% trong tháng qua.
3. Động thái của Quỹ Tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold
Thời điểm xảy ra vụ Brexit hôm 23/6, SPDR đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 3,7 triệu ounce (tăng khoảng 13%) lên 31,6 triệu ounce. Đây cũng là thời điểm mà các nhà đầu tư đổ xô vào vàng vì lo ngại những đổ vỡ của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Kể từ đó đến nay, lượng vàng bán ra của quỹ này lại giảm 4,1 triệu ounce, xuống còn 27,5 triệu ounce. Đây cũng là mức thấp nhất trong 7 tháng. Theo Henry To, điều này có nghĩa là "những dòng tiền nóng" của đợt Brexit đã chảy hết ra ngoài. Và nếu nhìn ngược lại, theo ông, với mức giá vàng hiện nay dưới 1.150 USD thì đây là lúc để có một khởi đầu tốt đẹp.