29/08/2019 7:26 AM
Bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng và tài sản khai thác cho thuê tốt được dự báo khuấy động thị trường cuối năm 2019.

Công nghiệp sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong nửa cuối năm 2019. Nguồn: internet

Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Phước Nghĩa cho biết, nhu cầu đầu tư bất động sản đang chịu sự tác động rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và diễn biến nền kinh tế vĩ mô cũng như tiến độ pháp lý.

Trong 8 tháng qua, tâm lý nghe ngóng chờ đợi và đầu tư phòng thủ kiểu "ăn chắc mặc bền" đang có xu hướng mạnh dần. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2019 các loại hình bất động sản có khả năng mang lại dòng tiền sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Chuyên gia này chỉ ra 3 kênh đầu tư hứa hẹn diễn biến tích cực nhất trên thị trường bất động sản trong nửa cuối năm.

Bất động sản khu công nghiệp

Theo ông Nghĩa, công nghiệp sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong nửa cuối năm 2019 trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp. Cuộc so găng này góp thêm chất xúc tác giúp Việt Nam lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà sản xuất nước ngoài, ít nhiều giúp Việt Nam hưởng lợi bởi các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam nỗ lực mở rộng khu vực thương mại tự do, trong đó mới nhất là Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết vào cuối tháng 6/2019, cũng được kỳ vọng tăng cường sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu với bất động sản công nghiệp.

Nhu cầu thuê tăng mạnh nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang đã đẩy giá thuê đất công nghiệp, mặt bằng, nhà xưởng tại thị trường Việt Nam tăng cao 10-15% tùy khu vực và vùng miền. Trong những tháng còn lại của năm, bất động sản công nghiệp có thể gia tăng nguồn cung đồng thời có nhiều thương vụ mua bán sáp nhập hoặc đón thêm nhiều khách thuê mới cũng như nhà đầu tư.

Bất động sản nghỉ dưỡng

Thống kê sơ bộ trong 8 tháng qua, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng đang phủ sóng khá dày đặc trên khắp các chợ địa ốc cả nước. Cùng với sự gia tăng rổ hàng, có khoảng trên 65% người tham gia thị trường địa ốc năm 2019 đang chọn bất động sản ven biển để đầu tư.

Điểm khác biệt lớn so với giai đoạn trước đó là nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp đang quen dần với bán kính dịch chuyển thị trường xa hơn, độ mở cũng như quy mô của thị trường cũng ngày càng lớn hơn.

Ông Nghĩa khẳng định, làn sóng đầu tư bất động sản ven biển tại Việt Nam sẽ còn dâng cao trong vài quý tới. Sự phát triển mạnh mẽ của kênh đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng do tăng trưởng du lịch ấn tượng, kết nối hạ tầng liên vùng đang tốt dần lên bao gồm cả đường bộ và hàng không.

Bên cạnh sự gia tăng lượng khách du lịch quốc, du lịch trong nước cũng phát triển mạnh mẽ về lượng và biến đổi về chất (thói quen du lịch, thị hiếu tiêu dùng khi du lịch) nhờ đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu trải nghiệm ngày càng lớn. Trong vài quý đến vài năm tới, làn sóng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng lên do Việt Nam hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp không khói.

Bất động sản đa năng: sở hữu - tích lũy - khai thác

Theo ông Nghĩa, trong 8 tháng đầu năm 2019 thị trường bất động sản có xu hướng giá đi ngang, giao dịch sụt giảm, nguồn cung tại các đô thị lớn trên đà giảm tốc. Tâm lý nhà đầu tư vì vậy bắt đầu bước vào vùng do dự và phòng thủ nhiều hơn so với giai đoạn 2016-2018.

Do đó, trong những tháng cuối năm 2019 nhiều khả năng các loại hình bất động sản nhà ở, văn phòng, thương mại và dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu vừa sở hữu tài sản vừa tích lũy để gia tăng giá trị đồng thời có thể khai thác cho thuê ngay sẽ hút vốn đầu tư hơn là loại sản phẩm đầu tư lướt sóng thông thường. Xu hướng tâm lý này được xem là một bước đệm phòng thủ cho kịch bản khó đoán của thị trường trong 12 tháng tới.

Vũ Lê (VnXpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.