Quãng đường khảo sát nằm bên phía nước bạn hầu như chưa được đầu tư xây dựng, phần lớn là đường mòn, khó đi. Ảnh: Tedi cung cấp
Bộ Giao thông vận tải cho biết, đơn vị tư vấn vừa báo cáo tóm tắt Đề án nghiên cứu kết nối tổng thể giao thông vận tải hai nước Việt Nam - Lào và tuyến đường bộ kết nối Viêng Chăn - Hà Nội.
Đề án do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) là đơn vị trực tiếp nghiên cứu xây dựng.
Dấu ấn đáng chú ý nhất trong đề án là việc quy hoạch tuyến đường bộ kết nối 2 trung tâm chính trị là Viêng Chăn (Lào) và Hà Nội (Việt Nam).
Theo đó, đối với tuyến đường bộ kết nối Viêng Chăn – Hà Nội, quy mô quy hoạch đường bộ cấp cao 4 làn xe, chiều rộng nền đường tối thiểu Bn=22,5m;
Tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN4054-05 và TCVN5729-12) và Tiêu chuẩn Lào (RDM96).
Tổng mức kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường này dự kiến lên đến con số 2,5 tỷ USD.
Trong đó, sẽ đầu tư làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (trước năm 2020) khoảng 1,5 tỉ USD và giai đoạn 2 (sau năm 2020) khoảng 1 tỉ USD.
Đồng thời, đề án cũng đã nêu rõ hiện trạng tổng thể hệ thống giao thông vận tải của 2 nước Việt Nam và Lào.
Về hiện trạng kết nối giao thông vận tải giữa hai nước, chủ yếu bằng hai hình thức vận tải là đường bộ và đường hàng không.
Hệ thống vận tải đường bộ bao gồm 28 cửa khẩu, trong đó có 7 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 14 cửa khẩu phụ.
Hệ thống vận tải đường hàng không gồm các sân bay quốc tế lớn ở Việt Nam và một số sân bay ở miền Trung như Vinh (Nghệ An), có nhiều chuyến bay đi Lào với tần suất từ 4 - 10 chuyến/tuần.
Theo đó, đề án nghiên cứu đã đề xuất mạng lưới kết nối giao thông vận tải giữa 2 nước chia làm các hành lang và trục chính.
Cụ thể, có 4 trục chính gồm: Hướng Bắc Lào – Tây Bắc Việt Nam; Trung Lào – Bắc, Bắc Trung Bộ Việt Nam;
Hành lang kinh tế Đông – Tây giữa Thái Lan – Nam Lào – Nam Trung Bộ Việt Nam và trục Lào – Campuchia – Việt Nam theo trục dọc AH.11.
Đề án nêu rõ, mục tiêu nghiên cứu thế mạnh vận tải của hai nước và khu vục nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng;
Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước, đặc biệt là tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối với hệ thống giao thông quốc tế;
Đề xuất giải pháp kết nối tổng quan và phương hướng triển khai nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối toàn diện giữa các vùng và hiệu quả của đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối hai nước;
Hoạch định tuyến đường bộ kết nối hai trung tâm văn hóa, chính trị của hai nước là Viêng Chăn và Hà Nội.
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 3 vừa qua, trong chuyến làm việc giữa Bộ trưởng Đinh La Thăng và Đoàn đại biểu Bộ Công chính và vận tải CHDCND Lào, hai bên đã ký kết một biên bản ghi nhớ quan trọng.
Mục tiêu cụ thể được đặt ra tại Biên bản ghi nhớ này là sẽ tập trung khởi công tuyến đường bộ nối thủ đô Hà Nội – Viêng Chăn cuối năm 2014
Dự kiến, tuyến đường sẽ có tổng chiều dài khoảng 67km từ huyện Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn) đi Tha Lấu, biên giới hai nước Việt – Lào.
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối huyện Sầm Tớ (Lào) với tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam), hình thành tuyến kết nối Xiêng Khoảng - Hủa Phăn - Thanh Hóa.
Đặc biệt, đây sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất giữa Hà Nội – Viêng Chăn, nối thủ đô của hai nước qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Lãnh đạo hai bộ đã nhất trí báo cáo Chính phủ hai nước cho phép khởi công dự án này vào cuối năm 2014.