Trong ảnh là công nhân đang làm việc tại cơ sở gạch, ngói Đức Thành, ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Đồng Tháp - Ảnh: Trung Chánh |
Duy trì giữ chân lao động
Là một người có hơn sáu năm gắn bó với nghề sản xuất gạch ngói tại Đồng Tháp, ông Lương Văn Minh, ấp An Thạnh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết: “Trước đây nghề sản xuất gạch, ngói cũng có thời gian xuống thấp nhưng kéo dài chỉ vài ba tháng là cùng, còn bây giờ ế ẩm suốt cả năm vẫn chưa thấy phục hồi gì hết”.
Thị trường gạch, ngói xây dựng gặp khó khăn bắt nguồn từ thị trường bất động sản “đóng băng”, tuy nhiên, có không ít cơ sở, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động theo kiểu cầm chừng để giữ chân lao động. “Cơ sở tôi có 3 miệng lò nhưng giờ đốt (hoạt động) một miệng thôi. Duy trì chủ yếu để giữ chân lao động gắn bó với mình chờ lúc thị trường ấm lại, chứ cũng không mong có lãi lúc này đâu”, ông Minh cho biết.
Ông Bùi Thiện Thông, Giám đốc doanh nghiệp Đức Thành, ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, cho biết doanh nghiệp ông có tổng cộng 7 miệng lò nhưng hiện cũng chỉ hoạt động 50 – 60% công suất.
“Bây giờ ai cũng vậy hết, chủ yếu duy trì hoạt động để công nhân gắn bó với mình, chờ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Thông cho biết.
Theo đánh giá của giới doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói xây dựng, thị trường bất động sản “đóng băng”, nguyên liệu đầu vào như trấu, đất làm gạch, lãi suất ngân hàng… cao là những nguyên nhân đẩy nghề sản xuất gạch, ngói gặp khó.
“Giá trấu mấy năm trước rẻ nhưng hiện nhu cầu sử dụng nhiều, ở mấy khu công nghiệp chất đốt người ta cũng chuyển sang sử dụng trấu, làm cung không đủ dẫn đến giá tăng đến 700 – 800 đồng/kí lô gam, tức tăng 3 - 4 lần so với mấy năm trước”, ông Minh cho biết.
Ông Thông từ doanh nghiệp Đức Thành, cho biết nguyên nhân của vấn đề xét cho cùng do lãi suất ngân hàng quá cao. “Lãi suất ngân hàng như hiện nay ai làm gì được? Xây căn nhà 1 tỉ đồng mà nếu mình thiếu 300 - 400 triệu đồng, đi vay ngân hàng mà lãi trong vòng hai, ba năm cộng với tiền gốc tăng đến 500 - 600 triệu thì ai mà dám làm?”, ông Thông cho biết thêm.
Khó khăn còn phía trước
Khép lại một năm buồn với nghề sản xuất gạch, ngói ở miền Tây khi số doanh nghiệp, cơ sở còn bám trụ với nghề ngày một ít do lỗ lã liên tục tiếp diễn. Bước sang năm 2013, nhận định của nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất tình hình này vẫn chẳng mấy khả quan hơn.
“Năm 2013, tình hình sản xuất gạch, ngói xây dựng chắc cũng không thể được vực dậy lại được đâu, ngoại trừ thị trường bất động sản “tan băng”, ông Trần Văn Bé, chủ một cơ sở gạch, ngói ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, Vĩnh Long cho biết.
Theo ông Bé, thị trường bất động sản có liên quan rất lớn đến nhiều lĩnh vực. “Em nhìn vào cái nhà đi, có biết bao nhiêu ngành nghề trong đó từ dây diện, sơn, xi măng đến sắt thép, gạch ngói… Nếu cái nhà không làm được thì nó sẽ làm cả một hệ thống, trong đó có gạch, ngói cũng “chết” theo”, ông Bé cho biết.
Ông Thông từ doanh nghiệp Đức Thành, cho biết thị trường gạch, ngói chỉ khởi sắc lại khi nhà nước sắp xếp lại hoạt động sản xuất và lãi suất vay ngân hàng. “Bây giờ cần phải sắp xếp, quy hoạch sản xuất lại thôi, chẳng hạn, huyện này (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) quy hoạch bao nhiêu miệng lò, huyên kia bao nhiêu miệng, như vậy mới có thể giúp ngành nghề gạch, ngói mau chóng ổn định lại”, ông Thông cho biết.
Theo thống kê của Phòng Công Thương huyện Mang Thít, Vĩnh Long, toàn huyện có 1.037 cơ sở sản xuất gạch, gốm với trên 2.130 miệng lò. Tính đến nay, có trên 80% số miệng lò tạm ngưng hoạt động. |