11/10/2012 8:51 PM
Trong năm 2013 phải giảm nợ xấu của ngân hàng thương mại xuống dưới 3%. Đây là mục tiêu phấn đấu được đưa ra tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và dự kiến kế hoạch 2013 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “trước mắt phải tập trung xử lý nợ xấu, phấn đấu nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước giảm xuống dưới 3%”.

Dù 2012 luôn được nhấn mạnh là năm khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, song nội dung này lại rất “mờ” ở phần đánh giá của năm nay, tại bản báo cáo này.

Không có kết quả thực hiện cụ thể, bản báo cáo chỉ đưa ra nhận định rằng, việc tái cơ cấu nền kinh tế kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế triển khai chậm, mới ở bước đầu, như một nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế của kinh tế, xã hội năm 2012.

Phần nhiệm vụ, giải pháp cho năm sau, báo cáo nêu rõ “thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung trước hết vào ba lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước”.

Thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung trước hết vào ba lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và dự kiến kế hoạch 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Với thực hiện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, giải pháp được xác định là tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng nhanh quy mô và năng lực tài chính, đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với tỷ lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tiến hành rà soát, giảm các hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, kém hiệu quả, có cấu lại các công ty con của ngân hàng, thực hiện từng bước thoái vốn đầu tư vào những ngành phi tài chính.

Đặc biệt, báo cáo nêu rõ “trước mắt phải tập trung xử lý nợ xấu, phấn đấu nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước giảm xuống dưới 3%”.

Trước đó, khi nhìn nhận về những hạn chế, yếu kém của 2012, Chính phủ cũng tỏ ra quan ngại về tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn. Tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết...

Ở nhiều diễn đàn của các cơ quan Quốc hội gần đây, hệ lụy và nợ xấu cũng luôn đi kèm với sự sốt ruột cao về quá trình giải quyết “cục máu đông” đang gây tắc nghẽn mạch mạch máu nền kinh tế này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cuối tháng Tám vừa qua cũng đã không giấu được sốt ruột khi trực tiếp hỏi Thống đốc là tính tới 30/6/2013, nợ xấu có giảm không và giảm xuống bao nhiêu?

Tuy nhiên, câu trả lời của Thống đốc đưa ra mốc thời gian xa hơn rất nhiều là “tiến tới chỗ là ngay trong nhiệm kỳ này chúng ta có thể đưa được nợ xấu về mức an toàn theo đúng chuẩn mực quốc tế”.

Có thể hiểu con số 3%, dù có được đặt sau động từ phấn đấu, thì cũng đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc tái cơ cấu hệ thống tín dụng, ngay trong năm 2013.


Như vậy, có thể hiểu con số 3%, dù có được đặt sau động từ phấn đấu, thì cũng đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc tái cơ cấu hệ thống tín dụng, ngay trong năm 2013.

Vẫn ở nội dung này, báo cáo cho biết, đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, trên cơ sở rà soát, đánh giá, phân loại để có phương án chấn chỉnh, sắp xếp lại, trước hết là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc sáp nhập các ngân hàng trong quá trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại. Từng bước áp dụng các nguyên tắc và tiêu chí đánh giá ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để nâng cao chất lượng, giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Bên cạnh hệ thống tín dụng, Chính phủ cũng xác định triển khai tái cơ cấu thị trường chứng khoán, cơ cấu lại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm trên thị trường chứng khoán, cơ cấu lại các nhà đầu tư, sắp xếp lại và nâng cao năng lực trên tất cả các mặt của các tổ chức kinh doanh chứng khoán…

Theo Nguyên Hà (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.