Từ 2009 đến nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành 43 quyết định, thu hồi đất của 41 dự án, với diện tích hơn 832 ha. Tháng 5/2013, Tp. Hà Nội đã ra "tối hậu thư" đốc thúc các cơ quan chức năng rà soát, xử lý sai phạm đất đai xong trước 30/9/2013, nhưng...

Sau hơn 3 năm thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Chỉ thị 134/CT-TTg, ngày 20/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đã phát hiện 8.161 tổ chức có vi phạm (sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất, chuyển nhượng trái phép…), với diện tích đất bị vi phạm 128.033 ha.

Từ trào lưu chuyển nhượng

Trong khi "chạm" được vào gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ như "mơ về nơi xa lắm", cùng với sức cạnh tranh căng thẳng từ phía các dự án nhà ở giá rẻ, nhiều chủ đầu tư đã không hẹn mà gặp ở kế hoạch chuyển nhượng, M&A dự án nhằm "tháo thân", bảo toàn lực lượng.

Tại đầu thị trường Tp.HCM, những thương vụ "đình đám" như: Vina Capital chuyển nhượng khách sạn Legend cho Lotte Hotels & Resorts; Gemadept đang trong quá trình bán toà tháp Gemadept Tower… Ở địa bàn Hà Nội, chuyển nhượng dự án còn mạnh mẽ và rõ rệt hơn với các sự kiện tiêu biểu: chuyển nhượng toà nhà văn phòng 108 Lò Đúc; Vinaconex bán bớt vốn trong Vinaconex Hoàng Thành (chủ đầu tư dự án KĐT Park City); chuyển nhượng góp vốn trong Công ty Liên doanh An Khánh (chủ đầu tư KĐT Splendora); Coma18 chuyển nhượng dự án tòa nhà hỗn hợp VP6 bán đảo Linh Đàm…

Xét cho cùng, việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án "con cưng" đã đầu tư là điều bất đắc dĩ của doanh nghiệp tạo lập BĐS. Bên cạnh bề nổi là những tên tuổi lớn như Sudico (thoái vốn dự án Cactus Cam Ranh Resort & Spa), hay Vinaconex, Coma…thị trường địa ốc Hà Nội vẫn chưa lộ diện hoàn toàn những cú chuyển nhượng, "tháo chạy" âm thầm của nhiều chủ đầu tư kém chuyên môn, yếu tài chính.

Chính sách quản lý, phát triển và thực tế ngành xây dựng – BĐS luôn "duy trì" khoảng cách nhất định

Theo ông Sơn, một cán bộ từng công tác trong ngành TN&MT, thực tế về những thương vụ, dự án, chủ doanh nghiệp chuyển nhượng "chưa đúng luật" rất phức tạp, nên để hoàn tất số liệu tổng hợp chuẩn xác là… không tưởng. Phải chăng, đây là lý do khiến Hà Nội vắng mặt trong kết quả báo cáo về các địa phương bị rà soát sai phạm đất đai (!)

Còn nhớ, hồi tháng 5/2013, lãnh đạo UBND Tp. Hà Nội vào cuộc thực sự với văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các vi phạm về đất đai, hạn chế để xảy ra các sai phạm phức tạp, kéo dài. "Đặc biệt là phải kịp thời tiếp thu và xác minh, xử lý các thông tin của báo chí, người dân về các vi phạm của các chủ đầu tư dự án có dấu hiệu vi phạm luật đất đai", chỉ đạo của ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND Tp. Hà Nội.

Trước bức xúc của dư luận cũng như giới chuyên môn, đại diện UBND Tp. Hà Nội thừa nhận: "Tình trạng sử dụng sai mục đích, cho thuê chuyển nhượng

trái phép sẽ còn diễn biến phức tạp".

Đến sự "hụt hơi" của quyết sách

Lời dự báo bi quan về tình hình "sẽ còn diễn biến phức tạp" đã được thể hiện rõ hơn trong phiên chất vấn mới đây của HĐND Tp. Hà Nội về vấn đề quản lý đất đai, dự án treo, chuyển nhượng dự án của các chủ đầu tư.

Trước những bức xúc của đại biểu xoay quanh vai trò quản lý, giám sát, thẩm định dự án của các cấp, ơ quan chức năng, thành phố và yêu cầu cung cấp danh mục các doanh nghiệp "có vấn đề", lãnh đạo UBND Tp. Hà Nội trả lời: "Danh sách các đơn vị vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý thu hồi "sắp tới" sẽ gửi đến đại biểu. Số doanh nghiệp này không chỉ có "tên tuổi", mà còn có cả mức độ vi phạm vì trước khi thu hồi đã có thanh tra. Mặc dù số đông doanh nghiệp bị thu hồi đất đều có kiến nghị, nếu không giải quyết thì họ khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, UBND Tp. Hà Nội vẫn đúng quy định mà làm, thái độ rất cương quyết".

Quả thực, về văn bản, các ngành chức năng Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm xử lý, khắc phục tình trạng dự án chậm triển khai, để hoang hóa hoặc vi phạm đất đai trên địa bàn suốt từ năm 2009 đến nay.

Tuy nhiên, thái độ "rất cương quyết" mà ông Vũ Hồng Khanh nói về cách làm của UBND Tp. Hà Nội vẫn chưa có kết quả thực tế chứng minh. Trái với "tối hậu thư" gửi các ngành chức năng và chính quyền địa phương cấp dưới về thời gian phải hoàn thiện rà soát, xử lý sai phạm đất đai và báo cáo UBND chậm nhất tháng 10/2013, và quá thời hạn trên, nếu không hoàn thành, thành phố sẽ tiến hành thanh tra công vụ để xử lý các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, cũng như cương quyết thu hồi dự án. Vậy mà tới đầu tháng 12/2013, danh mục các doanh nghiệp, dự án gặp vấn đề về chuyển nhượng vẫn đang trong tình trạng "sắp tới sẽ gửi đại biểu".

Về vấn đề hành lang pháp lý cho chuyển nhượng dự án BĐS, mới đây dự thảo Luật kinh doanh BĐS đã đề cập: những chủ đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính không thể tiếp tục thực hiện dự án, có thể chuyển nhượng toàn bộ hay một phần dự án cho đối tác khác, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc "Không làm thay đổi mục tiêu, nội dung của dự án, phần dự án chuyển nhượng, đồng thời phải bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan". Trong khi từ vài năm nay, việc mua bán các dự án vẫn diễn ra bình thường như "chuyện ở huyện" dưới hình thức các doanh nghiệp mua lại 80-90% cổ phần của nhau để sở hữu các dự án BĐS. Có lẽ, dư luận đã quá quen với điệp khúc "độ trễ" chính sách.

Đông Hưng (Thời Báo Kinh Doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.