Chưa có giải pháp phát hiện vi phạm
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Đức Nhạn trình bày: Trong dự thảo quy chế có tới ba lớp “sóng” để “quét” vi phạm, đó là phường, xã; đội Thanh tra xây dựng địa bàn và đội Thanh tra xây dựng cơ động của Sở. Tuy nhiên, ông Tín cho rằng yêu cầu quan trọng nhất là giải pháp để phát hiện vi phạm và xử lý trách nhiệm cụ thể nếu không phát hiện được kịp thời lại chưa được đề cập trong dự thảo.
“Xử lý cán bộ có thể không phải là trách nhiệm của Sở Xây dựng nhưng Sở phải tham mưu và đưa vào quy chế. Nếu không mổ xẻ cái gốc vấn đề thì mãi mãi không chấn chỉnh được vi phạm” - ông Tín bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, cần làm tốt khâu phát hiện hơn thay vì xử lý công trình vi phạm xây dựng. Ảnh: HTD
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, đồng ý quận và chủ tịch phường, xã phải chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm xây dựng. “Tuy nhiên, muốn vậy thì phải giao cho họ nhân sự và thẩm quyền. Quận định đưa cán bộ lực lượng quản lý trật tự đô thị để phát hiện vi phạm nhưng nhân sự không đủ” - ông Khiết cho hay.
Ông Khiết đề nghị Thanh tra Sở Xây dựng cũng phải chịu trách nhiệm phát hiện công trình không phép, không giao cho phường, xã làm hết. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà cho rằng: “Nếu chỉ kiểm tra công trình có giấy phép thì một tháng, một thanh tra xây dựng chỉ kiểm tra vài công trình”.
Mỗi phường lập một “cán bộ phát hiện”
Tại buổi họp, UBND quận Tân Phú chính thức báo cáo về đề án Đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn quận Tân Phú. Ông Phạm Minh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận, cho hay mấu chốt trong đề án là sẽ lập ra chức danh “cán bộ phát hiện” tại mỗi phường, lấy từ đội trật tự đô thị.
“Tôi đã chạy xe máy để khảo sát thì chỉ cần 3 tiếng rưỡi là đi hết địa bàn một phường rộng 150 ha. Nếu mỗi phường lập một cán bộ phát hiện, một tuần đi kiểm tra toàn phường hai lần là đảm bảo rà soát được. Tùy thực tế, mỗi quận, huyện sẽ sắp xếp số cán bộ phát hiện cho phù hợp” - ông Mẫn phân tích.
Đại diện quận Tân Phú cũng khẳng định những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm xây dựng ngay từ đầu là cắt điện, nước, tạm trú, không cấp phép kinh doanh. “Mục đích của việc xây dựng nhà là để ở hoặc kinh doanh. Nếu hai mục đích này không thể thực hiện được thì không ai dám xây dựng không phép” - ông nhận xét.
Rất tiếc là tại buổi họp, các sở, ngành, quận, huyện khác lại không có góp ý nào về những giải pháp của quận Tân Phú, nhất là đề xuất không cấp giấy đăng ký kinh doanh cho công trình vi phạm. Còn trước đó, Sở KH&ĐT khẳng định không thực hiện được nội dung này vì Luật Doanh nghiệp không quy định.
Sở KH&ĐT: Vẫn phải cấp giấy đăng ký kinh doanh! Trao đổi bên lề cuộc họp, ông Mẫn cho biết nội dung “không cấp giấy đăng ký kinh doanh cho công trình vi phạm” đã được thể hiện tại dự thảo quy chế của Sở Xây dựng. Nếu UBND TP thông qua quy chế này, bắt buộc các cơ quan liên quan phải thực hiện. Tuy nhiên, một cán bộ Sở KH&ĐT dự họp vẫn khẳng định: “Dù quy chế phối hợp của Sở Xây dựng hay đề án của Tân Phú có được thông qua, chúng tôi vẫn không thể thực hiện yêu cầu này bởi vi phạm quy định của luật chuyên ngành”. |