Ngay khi Nghị định 64/2012/NĐ-CP ra đời, hàng nghìn người dân sinh sống trong các khu đã có quy hoạch chi tiết được công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất đã khấp khởi mừng với việc sẽ được cấp phép xây dựng tạm để cải tạo, sửa chữa nhà ở mà nhiều năm qua, họ luôn bị “chối từ”. Dẫu rằng, theo Nghị định 64, chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng tạm hết hạn và không yêu cầu bồi thường đối với phần công trình phát sinh sau khi quy hoạch được công bố…
Nghị định 64/NĐ-CP quy định nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng mới được cấp phép xây dựng, và theo định nghĩa mới nhất tại Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng chính là quy hoạch 1/500. Thế nhưng, theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội chưa được phủ kín quy hoạch tỷ lệ 1/500, nhiều nơi thậm chí còn chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/2000. Kèm theo đó, các địa phương này cũng chưa có quy chế quản lý đô thị và thiết kế đô thị nên việc áp dụng quy định này như điều kiện để cấp giấy phép xây dựng là chưa thực hiện được! Như tại quận Đống Đa, hiện mới có 4/21 phường có qui hoạch này, nên trong khi chờ đợi hướng dẫn, UBND quận này căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của quận và phân vùng kiểm soát hạn chế phát triển công trình cao tầng trong khu vực nội đô của TP để cấp phép xây dựng.
Tại điều 10 Nghị định 64 quy định về thành phần hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép xây dựng không có yêu cầu đối với công trình đã khởi công xây dựng phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng xác nhận bằng văn bản việc chủ đầu tư xây dựng đúng theo giấy phép tại thời điểm xin điều chỉnh giấy phép. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, qui định này chưa phù hợp với Nghị định 180/CP của Chính phủ về xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Đồng thời, khó đảm bảo yêu cầu quản lý trật tự xây dựng được chặt chẽ vì trên thực tế, nhiều chủ công trình xây dựng cố tình xây dựng sai phép rất muốn hợp thức hóa vi phạm bằng cách xin điều chỉnh giấy phép.
Bên cạnh đó, một trong những qui định của Nghị định 64 cũng đang bị “chê” không thực tế, khó khả thi, đã bị đề nghị bỏ từ dự thảo nhưng vẫn được ban hành trong Nghị định là thành phần hồ sơ xin phép xây dựng phải có thêm các bản vẽ kết cấu chịu lực chính nhằm quản lý chất lượng công trình. Thực tế, chi phí cho loại bản vẽ này tốn kém gấp 10 lần bản vẽ để cấp phép xây dựng, và cơ quan cấp phép cũng không đủ điều kiện về chuyên môn, nhân sự để quản lý chất lượng công trình. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, qui định này không phù hợp, gây tốn kém cho người dân nếu không được cấp phép, vì việc đảm bảo chất lượng công trình là trách nhiệm chính của chủ đầu tư.
Việc ban hành Nghị định có hiệu lực thi hành rồi “treo” chờ Thông tư hướng dẫn khiến nhiều người dân bức xúc. Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ có sự chậm trễ là do các tỉnh, thành có những qui định khác biệt trong công tác cấp phép xây dựng nên cần có thời gian cân nhắc để nội dung của thông tư phù hợp với thực tế các địa phương. Hiện, UBND TP Hà Nội cũng đã giao Sở Xây dựng dự thảo quy định mới về cấp phép xây dựng, thay thế cho Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND và triển khai Nghị định 64/NĐ-CP.
Trước mắt, Sở QH-KT đang hoàn thiện quy hoạch chi tiết 1/500 và lập đồ án thiết kế đô thị trình UBND TP phê duyệt làm cơ sở cho việc cấp giấy phép phù hợp. Sở Xây dựng phải trình UBND TP qui chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị trên các tuyến phố chính trong khi chưa phê duyệt được thiết kế đô thị. Tuy nhiên, với gần 700 tuyến đường, phố trên địa bàn TP, đây là khối lượng công việc không nhỏ, chưa kể, vẫn phải chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Nghĩa là, nhiều quy định cởi mở của Nghị định 64/NĐ-CP hiện vẫn bị “treo”!