21/03/2013 7:42 AM
Nạn chuyển đất công thành đất ở đang gây bức xúc trong dư luận. Hậu quả để lại cho xã hội và người dân rất lớn. PV Báo SGGP ghi nhận những ý kiến phản hồi xung quanh vấn đề này.
  • Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp NGUYỄN HỒNG: Chủ đầu tư phải trả lại đất công

Hậu quả của các dự án sai phạm biến đất quy hoạch cho công ích thành nhà ở để lại cho xã hội rất lớn. Các chủ đầu tư, vì lợi trước mắt đã không tuân thủ quy định pháp luật, tìm cách chuyển đổi công năng đất công sang đất nhà ở để thu lợi bất chính. Dẫn đến tình trạng này, ngoài lòng tham của chủ đầu tư còn có sự buông lỏng, tiếp tay của cán bộ chính quyền. Cán bộ trình độ kém một phần, nhưng không loại trừ cán bộ thông đồng, tiếp tay với chủ đầu tư. Những sai trái của cán bộ dù vô tình hay cố ý đều phải xử lý nghiêm. Thực tế trong nhiều dự án, đến khi phát hiện sai phạm, nhiều nhà dân đã mọc lên.

Việc tháo dỡ nhà dân để làm công viên cây xanh như quy hoạch là biện pháp bất đắc dĩ. Vì thế, chủ trương của quận là buộc các chủ đầu tư phải hoàn trả lại đúng diện tích đất mà chủ đầu tư đã chiếm dụng, bán cho người khác. Chủ đầu tư có thể lựa chọn mua ngay diện tích đất cạnh dự án hoặc trên địa bàn để trồng cây xanh. Đây là biện pháp vừa giải quyết được quyền lợi người dân, giảm bớt xáo trộn mà vẫn giữ được tỷ lệ cây xanh trên địa bàn. Phải cương quyết, buộc chủ đầu tư hoàn trả lại đất công và quận đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý hình sự những đối tượng sai phạm nặng.

  • Luật sư THÁI VĂN CHUNG Trưởng Văn phòng Luật Nguyên Giáp (Đoàn Luật sư TPHCM): Người dân có thể kiện chủ đầu tư ra tòa

Giá đất được xác lập trên cơ sở diện tích lô đất, địa thế và cơ sở hạ tầng kèm theo như diện tích đất cây xanh, công cộng, hạ tầng cơ sở. Như vậy, khi người dân mua nhà đất không những được quyền sử dụng phần đất đã mua mà cả được quyền sử dụng và có quyền lợi, trách nhiệm đối với diện tích đất công cộng trong dự án. Khi chủ đầu tư thay đổi cắt bớt diện tích đất công viên cây xanh, công cộng làm biệt thự, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân. Không những những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp như thay đổi địa điểm, chuyển từ lô mặt tiền bờ sông vào trong mà những hộ ở trong khu dân cư cũng bị thiệt hại vì diện tích đất công bị cắt giảm.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, người dân có quyền kiện chủ đầu tư ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại do chính chủ đầu tư gây ra khiến quyền lợi của mình bị giảm bớt. Nếu dự án thay đổi do chính quyền thì chính người ra quyết định chuyển đổi phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ kiện này. Người dân nên đem vụ việc ra tòa án để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

  • Luật gia TRẦN ĐÌNH THU (Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam): Xem xét trách nhiệm cán bộ tham mưu, đề xuất sai

Xây dựng và phê duyệt quy hoạch phải căn cứ theo đúng quy định pháp luật từ diện tích đất ở, cây xanh, đường giao thông, công trình công ích. Để hoàn thành phê duyệt bản quy hoạch cho một dự án, chủ đầu tư phải thông qua chính quyền các cấp và được các sở ngành chuyên môn đồng ý. Đây cũng là lực lượng để kiểm tra chủ đầu tư có thực thi đúng quy hoạch đã phê duyệt hay không. Có thể nói, với quy trình và lực lượng chuyên môn hùng hậu như hiện nay, chủ đầu tư khó có thể chuyển đất công viên cây xanh, công cộng sang đất ở. Vậy nhưng, trên thực tế nạn bóp méo quy hoạch, biến đất công viên cây xanh, công cộng thành biệt thự, cao ốc vẫn diễn ra. Những con đường, công trình công ích cũng thu hẹp dần.

Điều đáng suy xét ở đây là sự chuyển đổi công năng, biến đất công cộng thành đất ở đã được hợp thức hóa bằng những quyết định của cơ quan quản lý. Mọi người có quyền đặt câu hỏi: Liệu có sự minh bạch trong thừa hành công vụ của một số cán bộ khi đề xuất, kiến nghị để dẫn đến việc ban hành quyết định điều chỉnh dự án?

Những cán bộ chức trách cũng có thể biện minh, quy chuẩn là bất biến nhưng thực tế vẫn phải có việc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp thực tế. Thế nhưng, theo chúng tôi bất luận vì lý do gì mà ban hành quyết định điều chỉnh dự án, cắt bớt đất công viên cây xanh, công cộng làm đất ở là điều không thể chấp nhận. Cơ quan chức năng cần xem xét động cơ và có biện pháp xử lý đối với những đề xuất, quyết định của cán bộ đã dẫn đến hậu quả cho xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều người.

  • Xà xẻo đất quy hoạch công ích - Bài 1: Những dự án đầu voi, đuôi chuột

    Xà xẻo đất quy hoạch công ích - Bài 1: Những dự án đầu voi, đuôi chuột

    Tại nhiều khu dân cư (KDC) mới ở TPHCM đã lặng lẽ diễn ra nạn xà xẻo đất quy hoạch công viên cây xanh, đường giao thông biến thành đất ở. Hậu quả để lại cho xã hội là những KDC dày đặc, thiếu diện tích đất công cộng. Vậy nhưng việc khắc phục sai phạm, trả lại nguyên trạng quy hoạch lại quá khó, vì trong quá trình chuyển đổi có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền.

Trần Yên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.