Chiều ngày 31/7, trả lời về việc tại Kho bạc Nhà nước đang tồn 90.000 tỷ đồng trong khi rất nhiều dự án chậm tiến độ vì không thể giải ngân được vốn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua số liệu của 6 tháng cũng như 7 tháng, chúng ta đang có sự tồn ngân cao hơn mức bình thường khoảng 15-16%.
Vì sao tiền thừa, nhiều dự án vẫn chậm giải ngân?
Nguyên nhân chính là đà dự toán thu khá, 63,3% so với dự toán nhưng dự toán chi đạt 59%, trong đó chi đầu tư cũng đạt khoảng 57%.
"Đúng là có tồn ngân. Nguyên nhân là các dự án đầu tư hiện nay giải ngân chậm. Qua thực hiện công tác giám sát, quản lý giải ngân, chúng tôi cho rằng vẫn còn một số nguyên nhân", ông Tuấn cho hay.
Theo vị lãnh đạo Bộ Tài chính, nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng chậm.
Nguyên nhân thứ 2 là thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, dự án, đấu thầu vẫn còn kéo dài so với thời gian quy định cũng như so với yêu cầu cải cách.
Nguyên nhân thứ 3 là do các sự kiện ngày 12-14/5 (công nhân một số địa phương biểu tình phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam– PV) ảnh hưởng tới 14-15 dự án.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, địa phương để khắc phục, đẩy nhanh giải ngân, đạt được dự toán năm, đưa tồn ngân về mức chấp nhận được.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng cho biết thêm, tồn ngân hiện cũng đang là vấn đề mà Thủ tướng đã quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng cần tính toán phương án để làm thế nào giải ngân số tiền này.
"Nhưng mỗi nguồn tiền có những quy định riêng, cho nên lĩnh vực này đến giờ này dù muốn hay không cũng là chậm. Sự tồn đọng này chúng ta cần xử lý sớm", Bộ trưởng khẳng định.