"Đất khóc” hay "dân khóc” đều là những từ mà lâu nay người ta dùng để ám chỉ cho xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc), nơi cận kề với vùng Du lịch hồ Đại Lải, về việc lấn chiếm, cấp đất sai thẩm quyền trên địa bàn. Để đất "đỡ khóc”, người "đỡ khóc” đã rất nhiều lần người dân làm đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Nhưng có một thực tế là: tất cả những kiến nghị của họ vẫn chưa được xử lý thấu tình đạt lý.
Về nơi... “đất khóc”
Do sự buông lỏng quản lý, đất ruộng bị san lấp,
chờ cơ hội "phù phép” và bán hóa giá, đem lại lợi nhuận
cho cá nhân, gây bức xúc cho dân

Khi ruộng... "bị nuốt”

Nằm cách nội thành Hà Nội 50 km, cách sân bay Nội Bài 15 km, với hệ thống đường giao thông thuận tiện cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không; với diện tích tự nhiên là 1.500ha, nên lâu nay Đại Lải được coi là miền đất có tiềm năng về du lịch. Đặc biệt khi các cụm du lịch gồm các hạng mục đầy rẫy sự lôi cuốn như: Khu nghỉ dưỡng, cung văn hóa, siêu thị, "ra đời” nên đất đai ở đây "lên cơn sốt” từng ngày về giá. Thực trạng săn lùng, mua bán và sự buông lỏng trong quản lý đã đem đến những hệ lụy, gây bức xúc cho dân, mà tiêu biểu nhất là vụ án Lý Công Sinh đã được nhiều người biết đến.


Là một trong hai xã nằm cận kề với khu Du lịch Đại Lải nên lâu nay đất của xã Ngọc Thanh luôn được người ta ví là "tấc đất, tấc vàng”. Đất đai được các cá nhân, tập thể lùng sục mua bán để phục vụ thương mại, dịch vụ, và chốn nghỉ dưỡng cho người có tiền nên quỹ đất đai ở đây đã "cạn kiệt” dần. Và để có lợi nhuận, để có đất bán, những cánh ruộng mầu mỡ đã bị đổ đất lấn chiếm, những miếng đất công đã bị "phù phép để có "sổ đỏ”. Tình trạng này đã để lại những hậu họa khá buồn và căng thẳng, làm đời sống người dân thêm phần bất an.


Ở thời điểm này, nếu có điều kiện để thâm nhập vào các thôn của xã nằm gần vùng hồ du lịch này mới thấy việc bức xúc và đơn thư của người dân là một thực tế. Trong 21 thôn hiện có của xã, tiêu biểu nhất cho việc lấp ruộng, cấp "sổ đỏ” cho đất công phải kể đến thôn Tân An. Dọc con đường liên thôn, từng cánh đồng mầu mỡ, lúa 2 vụ đang bị rất nhiều người (theo người dân đều có "quan hệ”) thậm chí trong đó có cả Đảng viên đổ đất lấn chiếm, chờ cơ hội để làm "sổ đỏ” bán kiếm lợi.


Dẫn chúng tôi đi giữa những khoảnh ruộng mầu mỡ, vốn là sinh kế dân nghèo và góp phần vào việc ổn định an ninh lương thực, ông Q. gạt nước mắt bức xúc: Các anh thấy đấy, có phải nơi lẩn khuất gì đâu mà bảo không biết. Ngay "giữa đường, giữa chợ”, nơi hàng ngày lãnh đạo đi qua mà vẫn không thấy có sự can ngăn nào. 3 – 4 năm nay dân chúng tôi gửi đơn về tình trạng này. Nhưng chả hiểu sao chưa có hồi âm, kể cả một cái giấy thông báo.


Từng khối đất đồi, từng xe tải lấm lem bùn đất hàng ngày diễu hành qua thôn và đổ đất. Từng khoảnh ruộng mầu mỡ trong thôn Tân An vì vậy mà mất dần mầu xanh. Rồi những căn nhà, ngôi biệt thự làm nơi nghỉ dưỡng cho người có tiền được dựng lên. Tiêu biểu nhất cho sự cạp, nới, lấn chiếm ruộng này phải kể đến nhà ông M., một đảng viên kỳ cựu của xã. Không chỉ lấn chiếm ruộng, ông M. còn cả gan đổ đất thu hẹp cả con đường dẫn vào khu trường học. Nhà cửa đã được xây cất tử tế, chờ ngày vào nhà mới mà không hiểu sao chẳng bị can ngăn và xử lý.


Cùng tâm trạng, bà T., một người đang được coi là "phần tử bất hảo” vì trước bức xúc bà đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền cho biết: Đơn thư chúng tôi gửi nhiều lắm rồi. Gửi cả lên Thường trực tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh nhưng mọi kết quả hầu như vẫn chưa thấy đâu cả.

Về nơi... “đất khóc”
Không gian chùa làng cũng bị teo tóp
do việc đất liền kề "tự dưng” có "sổ đỏ”

"Phù phép”...đất công


Ngoài việc lấn chiếm ruộng, cấp sổ đỏ không đúng quy trình thì người việc "phù phép” đất công mà người được "hưởng lợi” có cả ông Phó chủ tịch xã Lý Văn Lương được nhiều người dân nhắc tới.


Tại Tờ bản đồ số 20 (do Liên đoàn Trắc địa địa hình Việt Nam đo, vẽ năm 1998), khu đất trên thuộc diện đồi chè, thuộc thửa 551, diện tích 8.057m2. Đất này do UBND xã giao HTX quản lý. Để hợp thức hóa, ông Lý Văn Lương có đề nghị cán bộ hợp đồng, giúp việc cho cán bộ địa chính xã được "mượn” Tờ bản đồ số 20. Không biết bằng cách nào và bằng mối quan hệ nào đó, vài ngày sau ông Lương trả lại bản đồ này, đồng thời nộp 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (do huyện Mê Linh cũ cấp)?! và "đề nghị bổ sung” vào sổ mục kê quản lý đất đai của xã 3 thửa đất trên, với các tên 551a, 551b và 551c (nằm trong thửa 551).


Sau khi "khẳng định chủ quyền”, từ đất vườn đã biến thành đất ở. Việc làm sai trái trên đã được người dân vạch rõ bằng Tờ bản đồ số 20 do Trung tâm Công nghệ thông tin Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp. Trên Tờ bản đồ có giá trị pháp lý này thì rất tiếc là thửa đất 551 không có các thửa 551a, 551b, 551c như bản lưu ở xã Ngọc Thanh. Thế nhưng việc "phù phép” đất công này cũng không được xử lý triệt để, đem cho dân những câu hỏi đầy bức xúc và ngờ vực. Hiện tại, được biết, giá thị trường giao bán của khu đất đã được "phù phép” này lên đến cả vài tỷ đồng. Khoản lợi nhuận kếch xù do việc biến đất công thành đất tư này rơi vào túi ai hẳn mọi người đều biết và đã đến lúc cần được các cơ quan chức năng làm rõ.


Sẽ giải quyết triệt để?


Đem những bức xúc của dân, chúng tôi tìm đến UBND xã Ngọc Thanh. Ông Phó Ngọc Long, Chủ tịch xã cho biết: Việc bức xúc của dân là có thật. Riêng về việc lấn chiếm ruộng công, làm nhà ở, vừa qua xã đã đi kiểm tra. Ban đầu đã xác minh được 20 thửa ruộng nằm ở vùng trọng điểm bị cơi cạp, lấn chiếm. Nhưng vì vụ việc phức tạp lên xã đã chuyển hồ sơ lên thị xã Phúc Yên để xin ý kiến và chờ xử lý. Còn liên quan đến tố cáo của dân về việc cấp đất trái thẩm quyền, có liên quan đến lãnh đạo xã cũng... vượt qua khả năng. Xã cũng đã chuyển cho lãnh đạo Thị xã và cũng đang... chờ ý kiến và kết quả để xử lý.


Cũng với vụ việc này, ông Đỗ Quang Thanh, Chủ tịch Thị xã Phúc Yên cho biết: Đây là những "vấn đề” của thời gian trước sắp tới chúng tôi sẽ sang Thị ủy xin ý kiến và bàn giao cho các ban ngành liên quan để xử lý. Quan điểm của chúng tôi là sẽ giải quyết triệt để. Cá nhân, tập thể nào sai phạm, mức độ thế nào sẽ xử lý tới nơi tới chốn, với quan điểm nhìn thẳng sự thật, không bao che dung túng để lập lại trật tự, lấy lại niềm tin của người dân.
Theo Đơn Thương (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.