17/10/2012 9:55 AM
UB Kinh tế Quốc hội cho rằng Chính phủ cần gỡ nút thắt tồn kho, nợ xấu. Trong đó, nên thành lập một công ty duy nhất xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống để tránh phân tán nguồn lực.

Bất động sản - "kho" nợ lớn nhất

Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, Thường trực UB Kinh tế lưu ý cần tập trung khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là “hàng tồn kho và nợ xấu". Tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay.

Dẫn ra những con số nợ xấu đang "vênh", Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Lê Nhung

"Trên cơ sở có số liệu chính xác về quy mô, cơ cấu nợ xấu thì mới cân nhắc, quyết định mô hình tổ chức xử lý nợ xấu, không nên phân tán sức mạnh, nguồn lực quốc gia, đề nghị chỉ thành lập, sử dụng một công ty duy nhất để xử lý vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng", ông Giàu nói.

Bị "truy" về thống kê tồn kho, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho hay nhiều ngành đang tồn kho tỷ lệ khá cao, như công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tồn kho tới 20,4% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm nhựa, xi măng (trên 50%), sắt, thép (trên 40%)... Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận không nắm được tồn kho trong lĩnh vực bất động sản.

"Từ xưa đến nay có thống kê chỉ số bất động sản hay không tôi chưa biết được, chắc là tồn kho sẽ rất lớn. Vì trong các báo cáo của Tổng cục Thống kê chưa bao giờ thấy con số tỷ lệ tồn kho trong bất động sản", ông Vinh cho hay.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tiếp lời: "Thứ tốn tiền nhất hiện nay là bất động sản. Bao nhiêu xi măng, sắt thép đã chôn hết vào bất động sản. Bao nhiêu hàng hóa không bán được? Đây chính là một cái kho lớn nhất. Nếu không giải phóng được chỗ này thì nợ ngân hàng giải quyết thế nào?".

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, bất động sản chính là lĩnh vực tồn đọng vốn lớn nhất. Đặc biệt lưu ý các dự án đang đắp chiếu.

Trước hàng loạt câu hỏi của lãnh đạo QH, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến lên tiếng, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 5% trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, thị trường này đang ảm đạm, chưa kể sự trầm lắng trong các ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng cũng đã có phương án xử lý nợ xấu và đã trình lên Chính phủ. Tất nhiên, nếu các ngành sản xuất được khôi phục, sản phẩm, hàng hóa được tiêu thụ, hết tồn kho thì cũng góp phần giải quyết được nợ xấu của ngành ngân hàng.

2013: Tiếp tục khó khăn

Ngoài vấn đề nợ xấu, nhận định chung về tình hình năm 2012, UB Kinh tế Quốc hội cho rằng Chính phủ vẫn chưa làm rõ các nguyên nhân chủ quan từ điều hành vĩ mô, 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng: lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ. Thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện trên thực tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét.

Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt nhưng chưa định hình yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; cán cân thương mại có sự cải thiện đáng kể nhưng chủ yếu xuất phát từ sự khó khăn của khu vực sản xuất. Quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một số thời điểm đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến đời sống người dân.

Cơ chế quản lý thị trường vàng, nhất là về hoạt động quản lý và kinh doanh vàng miếng, chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới.

Tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, phức tạp trên các lĩnh vực đất đai, sử dụng vốn và tài sản nhà nước gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân. Chất lượng điều tra, phát hiện và xử lý một số loại tội phạm đạt hiệu quả thấp, nhất là các loại tội phạm kinh tế, lợi dụng chức vụ, tham nhũng; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng còn để kéo dài, gây phản ứng trong dư luận xã hội.

Đặc biệt, UB Kinh tế khuyến cáo phải tính toán, cân nhắc ngăn ngừa lạm phát tăng cao trong năm 2013 bởi xu hướng khó khăn sẽ còn kéo dài. Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 là tạo dựng được nền tảng vĩ mô ổn định để tái cơ cấu mạnh nền kinh tế. Mọi chuyển biến cần bắt đầu từ thay đổi tư duy làm quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực; công khai, minh bạch thông tin điều hành, tính chính xác số liệu để làm căn cứ tin cậy cho việc ra quyết định.

Chiều nay, Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận các nội dung trên.

Theo Lê Nhung (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.