Khó khăn chủ yếu hiện nay của các doanh nghiệp BĐS là thiếu vốn đầu tư và phải trả lãi vay rất cao (tại thời điểm hiện nay vẫn phải trả lãi vay khoảng 18%/năm) và không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài mặc dù doanh nghiệp phải thỏa thuận mua theo giá thị trường. Có dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% nhưng vẫn không thỏa thuận được phần diện tích còn lại, doanh nghiệp lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Tiền sử dụng đất phải nộp theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ đang là gánh nặng cho doanh nghiệp, vì gần như phải mua lại 2 lần theo giá thị trường để có quỹ đất đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân làm cho mặt bằng giá BĐS nước ta cao hơn các nước trong khu vực.

Điều này làm yếu đi sức mua và khả năng thanh toán của khách hàng, kéo theo thị trường BĐS bị sụt giảm mạnh. Khi hàng hóa tồn kho lớn do không bán được hoặc không cho thuê được, dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản của doanh nghiệp và thị trường, gây tác động xấu đến hệ thống ngân hàng.

Đó là chưa nói đến thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài (trung bình phải mất 3 năm để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, trong khi ở các nước chỉ mất một vài tháng), cũng là nguyên nhân khiến thị trường BĐS đóng băng.

Từ thực trạng trên, chúng tôi kiến nghị điều chỉnh sửa đổi một số điểm trong Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5-2012. Theo đó, gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý II và mở rộng cả quý III và IV đối với các doanh nghiệp đã được đề cập tại điểm 1 Nghị quyết 13, tức áp dụng cho tất cả doanh nghiệp BĐS chứ không chỉ hạn chế trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2011 trở về trước và cả số TNDN năm 2012 đối với tất cả doanh nghiệp BĐS (sửa đổi điểm 3 Nghị quyết 13/NQ-CP).

Gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án, không cần phải xét doanh nghiệp có khó khăn tài chính hay không và không phải thông qua Thường trực HĐND cấp tỉnh để tránh cơ chế xin - cho làm mất thời gian, xét duyệt kéo dài (sửa đổi điểm 5 Nghị quyết 13/NQ-CP).

Về lâu dài, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng Cục thuế cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo kết quả kinh doanh sản phẩm BĐS, phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp, tương tự như trường hợp dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Kiến nghị Quốc hội giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 với tất cả doanh nghiệp BĐS.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp BĐS chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo lãi suất mới do nguyên nhân chủ yếu là nợ xấu. Do vậy Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hợp lý và chỉ đạo cụ thể các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu để doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng, bởi doanh nghiệp BĐS đang mất thanh khoản và khoảng 60% tài sản đảm bảo cho các khoản vay tín dụng là BĐS.

Kiến nghị Chính phủ có chính sách kích cầu tiêu dùng để vực dậy thị trường BĐS: Áp dụng lãi suất ưu đãi cho người tiêu dùng mua nhà để ở, đặc biệt người mua căn nhà đầu tiên, hoặc đang ở chật hẹp (có diện tích ở bình quân dưới 5m2/người/hộ) muốn mua thêm căn nhà thứ hai để cải thiện điều kiện ở; tạo điều kiện cho nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trên thị trường BĐS được vay tín dụng để kinh doanh; Quốc hội và Chính phủ nới rộng điều kiện cho người nước ngoài được mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại để tăng cầu và góp phần hồi phục thị trường BĐS.

Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM
Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.