ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị dừng lại tất cả những công trình chưa thực sự cần thiết
ĐBQH Bùi Thị Anh chia sẻ với báo điện tử Infonet xoay quanh thực trạng biệt thự và lô đất biệt thự của quan chức tỉnh Hải Dương “mọc” cạnh khu vực đang xin xây trụ sở hơn 2000 tỷ ở Hải Dương.
Câu chuyện chống lãng phí và thực trạng trụ sở các địa phương nguy nga hoành tráng đã được nêu ra nhiều. Dù nền kinh tế còn khó khăn, nhưng nhiều nơi vẫn đề xuất xây trụ sở nghìn tỷ. Bà đánh giá thế nào về thực trạng này?
Như chúng ta biết, Chính phủ và Quốc hội đã đưa ra yêu cầu chống lãng phí, vì lãng phí cũng là một dạng khác của tham nhũng. Cái gì cần thì tiêu, cái gì không cần, dứt khoát phải bỏ lại. Vì sao? Vì nợ công của chúng ta đang rất nhiều, Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của chúng ta còn rất khó khăn, thậm chí còn không có tiền để tăng lương.
Bây giờ phải xem xét lại một cách rất nghiêm túc, trên quan điểm vì quyền lợi tổng thể của người dân, nhất là người lao động. Vì thế hãy dừng lại tất cả những công trình thực sự không cần thiết và tận dụng tối đa những chỗ khác đang có. Các địa phương hãy cố gắng chịu đựng một ít năm, đến khi điều kiện kinh tế lên, lúc đó hãy tính.
Trường hợp tỉnh Hải Dương đề xuất Chính phủ xây dựng trụ sở hành chính tập trung với tổng mức đầu tư 2060 tỷ đồng, trong đó 1000 tỷ lấy từ ngân sách địa phương, 1000 tỷ còn lại xin trung ương. Theo bà với dự án này có thuộc loại cấp thiết?
Tôi chưa nắm được trụ sở ở Hải Dương như thế nào, cũng như kết quả thu ngân sách của địa phương ra sao. Nhưng tôi cũng đề nghị lãnh đạo Hải Dương nên xem lại tổng thể. Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu có thể huy động 1 nghìn tỷ của địa phương thì trước tiên hãy xem có công trình gì cần thiết hơn công trình hày không đã.
Nếu có công trình như bệnh viện, trường học…cần hơn thì hãy chi cho nó và tạm dừng dự án xây trụ sở kia lại. Còn nếu các công trình khác đã đầy đủ hết rồi thì hãy tính. Với 1000 tỷ đồng xin ngân sách trung ương thì cần phải xem xét rất kỹ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi dự án này mới chỉ đang trong giai đoạn xin chủ trương, nhưng đã có lô đất mặt tiền, biệt thự nguy nga của quan chức tỉnh mọc lên ngay bên cạnh. Bà nghĩ sao về thực trạng này?
Thông tin về việc này, tôi cho rằng phải chuẩn xác, xem có đúng hay không. Nếu đúng như thế thì phải làm việc với lãnh đạo địa phương, xem xét rà soát một cách rất cụ thể. Nếu thực sự như vậy, lúc đó sẽ phải nghe ý kiến dân và địa phương cần phải xem lại. Tôi tin các đồng chí ở Hải Dương có đủ trình độ, đủ thông minh để điều chỉnh lại.
Nếu đúng thực tế như vậy thì câu chuyện lợi ích cá nhân của một số quan chức tỉnh sẽ được hiểu như thế nào trước thực trạng đi trước, đón đầu dự án? Phải chăng quyền lợi cá nhân đang được đi trước?
Xây trụ sở ở bất cứ một địa phương nào, điều đầu tiên là phải xuất phát từ nhu cầu chung của tỉnh thành đó. Nếu nói chỉ vì quyền lợi cá nhân của các lãnh đạo thì cũng không hẳn đúng. Tức là phải nhìn khách quan, trước hết vì cái chung đã.
Tuy nhiên người ta cũng có thể kết hợp xung quanh cái lợi ích chung đấy. Tôi nghĩ không ai dám làm một dự án cho cả một tỉnh mà lại xuất phát từ lợi ích cá nhân trước tiên. Còn kết hợp giữa cái riêng với cái chung thì có thể có.
Vậy theo bà, thực trạng nhà quan chức “mọc” lên khi dự án xây dựng trụ sở của Hải Dương mới chỉ trong giai đoạn xin chủ trương thì nói lên điều gì?
Vấn đề này cần phải xem xét một cách cụ thể. Tôi nghĩ không phải tất cả lãnh đạo địa phương đó lại đặt lợi ích riêng vào trong đó. Sẽ có những đồng chí lãnh đạo công tâm.
Còn những người không công tâm, vi phạm, dựa vào quyền được ra quyết định để đón đầu, đi trước quy hoạch thì tổ chức Đảng, Nhà nước phải xử lý.
Trong khi mức lương không cao, nhưng lại có những tòa nhà biệt thự lớn như vậy thì câu chuyện minh bạch tài sản của cán bộ ở đây có cần được nhắc đến?
Chúng ta đã có yêu cầu minh bạch tài sản, để làm được điều đó thì phải có sự kiểm soát tài sản. Trên cơ sở đó phải bớt chi tiêu bằng tiền mặt đi và giao dịch qua ngân hàng mới kiểm soát được nguồn thu.
Nếu không kiểm soát được nguồn thu thì rất khó, vì có thể người ta nói tài sản đó là của con, của em, của vợ, hay của họ hàng… Lúc đó sẽ rất khó xác định nguồn gốc tài sản đó.
Xin cảm ơn bà!