Triển khai Quỹ Tiết kiệm nhà ở và phát triển nhà ở xã hội cho thuê là hai giải pháp thu hút sự quan tâm đặc biệt của các diễn giả tại hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Đại sứ quán Ai Len tổ chức cuối tuần qua.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Thủ tướng vừa đồng ý với Đề án lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở do Bộ Xây dựng soạn thảo theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận, với mức đóng góp tự nguyện 1% tiền lương hằng tháng của người lao động.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nam cho biết, Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ do người lao động đóng góp tự nguyện, trích 1% lương hằng tháng và hưởng lãi suất 3-5%/năm. Sau khi hình thành, Quỹ sẽ được ưu tiên cho người dân vay tiền mua nhà ở và dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Những người không có nhu cầu về nhà, khi về hưu, họ được rút toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi.

Theo ông Nam, quỹ nhà tăng nhanh góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân, đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ. Chính phủ cũng đang chủ trương nghiên cứu để triển khai thí điểm quỹ đầu tư bất động sản như quỹ tín thác để người dân có cơ hội tiếp cận với nhà ở. "Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ là cầu nối giúp cho dân nghèo, những người có thu nhập thấp tăng cơ hội được mua nhà", ông Nam khẳng định.

Cũng tại hội thảo trên, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thị trường bất động sản đang tồn tại một thực tế, đó là trong khi các dự án căn hộ đang bị "bội thực", giá cao quá khả năng của người mua thì căn hộ cho thuê, một thị trường được đánh giá là rất tiềm năng vì nhu cầu lớn lại chưa được các doanh nghiệp chú trọng khai thác. Nguyên nhân, theo ông Nghĩa, là việc các doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất đai khó khăn, tiền sử dụng đất cao, vốn đầu tư nhiều, giá cho thuê căn hộ lại thấp, thời gian thu hồi vốn lâu…

Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ mới chỉ có chính sách về xây dựng nhà ở xã hội cho thuê hoặc cho thuê mua, còn chính sách về việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê chưa có. Do vậy, ông Nghĩa kiến nghị, cần xây dựng một chiến lược tổng thể với các chính sách, công cụ tác động tới thị trường nhằm mục tiêu cuối cùng là cải thiện hệ thống cung cấp nhà ở, đảm bảo cho người dân có cơ hội nhà ở trong khả năng chi trả.

Về phía nguồn cung, ông Nghĩa cho rằng, chính sách phát triển nhà ở cho thuê cần đồng bộ từ khâu giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng đến quản lý và vận hành các dự án nhà ở cho thuê, đảm bảo sự phát triển bền vững và lành mạnh của đô thị.

"Cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân để đa dạng hóa các nguồn lực vào thị trường này, song cần lưu ý là sự tham gia của khu vực công là yếu tố then chốt đối với sự thành công của việc quy hoạch, cung cấp, vận hành, bảo trì, duy tu cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng nhà ở cho thuê cần lượng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư về tài chính, đặc biệt là chính sách tín dụng vay đầu tư xây dựng nhà cho thuê", ông Nghĩa nói.

Theo Minh Nhật (ĐTCK - Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.