Ngày 26/12, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đây là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo chính quyền các đô thị, các nhà khoa học, chuyên gia cùng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển đô thị và đề ra những giải pháp cụ thể.
Các đại biểu sẽ tập trung trao đổi những kết quả đã thực hiện được trong thời gian qua, quan trọng hơn là chỉ ra được những nút thắt, vướng mắc để các cơ quan Trung ương cùng các địa phương tập trung tháo gỡ nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Phát triển đô thị quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến tháng 12/2013, chúng ta đã có khoảng 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%, có nghĩa là khoảng 30 triệu người dân Việt Nam đã và đang sống tại khu vực đô thị, tăng khoảng 1%, tương đương với 1,35 triệu người so với năm 2012. Trung bình mỗi tháng Việt Nam lại có thêm một đô thị mới.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hệ thống đô thị tại Việt Nam bộc lộ nhiều bất cập: Tỷ lệ đô thị hóa tại các tỉnh, thành phố trên cả nước không đều, áp lực quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu, chưa chú trọng đầy đủ về chất lượng đô thị…
Để đảm bảo hệ thống đô thị Việt Nam phát triển vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt và yêu cầu lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Điều chỉnh định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” và “Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020”.
Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình đòi hỏi phải đánh giá toàn diện bối cảnh, thực trạng của đô thị Việt Nam, hệ thống thể chế, năng lực quản lý, chất lượng quy hoạch… và có những kế hoạch cụ thể trên cơ sở 6 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp.