CafeLand - UBND Thành phố vừa công bố đồ án thiết kế đô thị riêng tỷ lệ 1/2000 Trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (trục đường Phạm Văn Đồng).

Đường Phạm Văn Đồng, Nguồn: Tuổi trẻ

Theo đồ án quy hoạch, trục đường Phạm Văn Đồng có tổng diện tích khu vực nghiên cứu 527,3ha, chiều dài tuyến đường 15,33km đi qua 5 quận và 12 phường. Cụ thể, đi qua quận Tân Bình (phường 2), Gò Vấp (phường 1, 3, 4), Phú Nhuận (phường 9), Bình Thạnh (phường 11, 13), Thủ Đức (phường Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Tam Phú).

Trục đường Phạm Văn Đồng có tính chất là trục giao thông mới phát triển đô thị quan trọng của thành phố kết hợp thương mại dịch vụ và phát triển giao thông công cộng, cải tạo cảnh quan kiến trúc đô thị.

Toàn khu vực được chia thành 15 khu chức năng:

Khu A - Khu cửa ngõ hàng không: Khu vực mang đặc trưng là cửa ngõ hàng không Quốc tế, một phần là công viên Gia Định và 2 dự án thương mại Tân Sơn Nhất; Khu B - Khu đa chức năng xây dựng mới và chỉnh trang khu hiện hữu: Khu vực có nút giao thông quan trọng ngã 5 Nguyễn Thái Sơn cùng với các công trình tôn giáo, giáo dục tập trung khá nhiều ở vị trí này;

Khu C - Khu đa chửc năng và ở cao tầng kết hợp chỉnh trang khu ở hiện hữu: Khu vực tập trung nhiều khu nhóm nhà ở, chung cư với nút giao thông thường xảy ra ùn tắc Lê Quang Định - Nguyên Hồng. Với lưu lượng giao thông tập trung cao cần đề xuất sử dụng đất thích hợp và phân luồng hợp lý lại cho khu vực này;

Khu D,E,G - Khu đa chức năng và chỉnh trang đô thị kết hợp khai thác tối đa yếu tố cảnh quan rạch Lăng và sông Sài Gòn: Sử dụng đất ở khu vực này khá đa dạng với các loại đất ở, cây xanh, trường học, tôn giáo. Nhóm đất ở phân cấp làm 2 dạng: nhà ở thấp tầng và cao tầng. Khu vực thích hợp với việc phát triển thêm loại hình sử dụng đất hỗn hợp kết hợp với các không gian mở vốn có. Ngoài ra còn có thể tận dụng cảnh quan tự nhiên từ rạch Lăng và vùng cảnh quan sông nước cầu Bình Lợi;

Khu H - Khu vực đầu mối giao thông đường sắt quốc gia, khu ở cao tầng và chỉnh trang đô thị hiện hữu: Khu vực mang đặc trưng là đầu mối giao thông đường sắt quốc gia. Khu vực có nhiều đất công nghiệp vẫn còn đang hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, theo định hướng chung của Thành phố sẽ di dời các cơ sở này. Do đó, đây sẽ là quỹ đất dự trữ để phát triển các chức năng sử dụng đất khác. Bên cạnh đó còn có nút giao với Quốc lộ 13 là một nút giao thông quan trọng không kém khi mà lưu lượng xe cộ tập trung khá cao và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Cũng tiếp giáp khá lớn với diện tích mặt sông Sài Gòn, đây cũng là một khu vực thích hợp để phát triển các tuyến điểm cảnh quan đẹp trên toàn bộ trục đường;

Khu K - Khu vực đặc trưng cảnh quan du lịch sông nước, tập trung phát triển nhà ở, chỉnh trang khu hiện hữu: Khu vực mang đặc trưng cảnh quan du lịch sông nước, chủ yếu là đất ở và tiếp giáp với vùng cửa ngõ đường sắt có đường liên khu vực đi qua. Trong khu vực có các công ty vật tư, đầu tư phát triển nhà ở chung cư

Khu L,M - Khu vực nhà ở biệt thự (đặc trưng truyền thống làng mai) - kết hợp du lịch sông nước, giáp rạch Gò Dưa: Khu vực mang đặc trưng văn hóa xã hội (làng mai) - kết hợp du lịch sông nước, hình thái đất bị rạch Gò Dưa chia nhỏ với đất ở chiếm đa số;

Khu N,O - Khu vực cửa ngõ đường bộ, khu ở cao tầng kết hợp cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu: Có nút giao với trục chính đô thị - đường Vành đai 2. Đây là cửa ngõ đường bộ và là nút giao thông quan trọng trong khu vực;

Khu P - Khu vực nút giao đường Tô Ngọc Vân, chỉnh trang đô thị hiện hữu: Có nút giao đường Tô Ngọc Vân là nút giao thông thường xuyên ùn tắc. Khu vực có đất ở chiếm đa phần nhưng mật độ dân cư thấp tương tự khu N và khu O;

Khu Q,R - Khu vực cửa ngõ giao thông đường bộ - nút giao Linh Xuân, khu đô thị mới và chỉnh trang: Khu vực mang đặc trưng là cửa ngõ giao thông đường bộ của Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung hầu hết là đất công nghiệp với các cơ sở sản xuất. Đây sẽ là quỹ đất dự trữ để khai thác giá trị đất đúng mức tương xứng với cửa ngõ ở điểm cuối trục đường là nút giao cầu vượt Linh Xuân.

Định hướng không gian đô thị dọc theo Trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (trục đường Phạm Văn Đồng) theo hướng hình thành trục phát triển đô thị hiện đại, hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị trên cơ sở di dời các cơ sở công nghiệp cũ, chỉnh trang các khu dân cư chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng và cấu trúc đô thị chưa hoàn thiện và phát triển các cụm công trình nhà ở kết hợp chức năng thương mại, dịch vụ, phát huy tốt lợi thế về giao thông, cải tạo không gian, cảnh quan và môi trường đô thị.

Tổ chức không gian đô thị nén dần về hướng Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, quận Bình Thạnh) và giãn dần về hướng quận Thủ Đức, thể hiện qua hệ số sử dụng đất và tổ chức tầng cao xây dựng (đường chân trời).

Phát triển các cụm công trình chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ tại các khu vực có quỹ đất chuyển đổi lớn thuận tiện về giao thông công cộng.

Giữ lại và cải tạo nâng cấp một số khu dân cư hiện hữu có hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, mật độ xây dựng cao, cảnh quan và kiến trúc đô thị tương đối khang trang.

Bảo tồn và phát huy những khu vực cảnh quan, các khu vực công trình có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa như: khu vực cảnh quan sông Sài Gòn, Làng mai, đường Kinh Lý,…

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.