Thực trạng công tác đầu tư, quản lý xây dựng công trình ngầm
Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu chung của xã hội, ngoài hệ thống Metro đang bắt đầu xây dựng, trên địa bàn TP.HCM đã có hàng trăm công trình được cấp phép xây dựng có tầng hầm, nằm rải rác tại hầu hết các quận nội thành TP. Chỉ riêng trong khu vực trung tâm Q.1, trên diện tích 104ha, đã có 59 công trình cao tầng có tầng hầm, với tổng diện tích sàn hầm là 265.617m2. Trong đó, có nhiều công trình phức hợp có 3 - 6 tầng hầm với diện tích lớn như: Tòa nhà Kumho Asiana Plaza, Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê và bãi đậu xe ngầm tại số 70 Lê Thánh Tôn và phần ngầm công viên Chi Lăng; Cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cho thuê tại số 34 Tôn Đức Thắng; Khu phức hợp Eden…
Việc xây dựng các tầng hầm trong công trình đã đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư trong việc tiết kiệm diện tích đất xây dựng (ngày càng đắt đỏ trong khu trung tâm), tăng giá trị và hiệu quả sử dụng cho công trình, cung cấp hàng chục ngàn chỗ đậu xe ôtô và xe máy trong khu trung tâm TP.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hòa Bình - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thì, do thiếu quy hoạch nên không gian ngầm, tầng hầm của các công trình đều xây dựng độc lập, chưa được kết nối một cách có hệ thống để việc khai thác sử dụng có hiệu quả cao hơn. Đối với hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể trong từng giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công... cho việc xây dựng các loại công trình ngầm vẫn chưa hoàn chỉnh; còn thiếu nhiều, đặc biệt là những quy định về quy hoạch, thiết kế kết nối, đấu nối; việc quản lý các công trình ngầm về mặt quản lý nhà nước, sử dụng, khai thác vẫn còn nhiều bất cập.
Hiện nay, đa số các công trình giao thông ngầm, công trình xây dựng nhiều tầng hầm với diện tích lớn trên địa bàn TP đều phải áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài để thiết kế, thi công. Bên cạnh đó, TP chưa có đồ án quy hoạch không gian ngầm, các cơ chế chính sách về lập và quản lý quy hoạch không gian ngầm chưa được ban hành, việc cấp phép xây dựng công trình ngầm còn theo sự vụ, giải quyết từng công trình cụ thể…
Việc giải quyết kết nối công trình ngầm (công trình đã xây dựng và đưa vào sử dụng với các công trình đang và sẽ xây dựng) đang là bài toán khó đối với TP.HCM đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương trong công tác Quy hoạch không gian ngầm, khảo sát, thiết kế phối hợp đồng bộ, lựa chọn nguồn vốn đầu tư, sự phối hợp tích cực có thiện chí của chủ đầu tư, cơ chế chính sách, ưu đãi về đầu tư.
Trong khi ở Việt Nam chưa có mô hình và kinh nghiệm, năng lực thực tế để giải quyết kết nối công trình ngầm. Do đó, giải pháp mang tính khả thi hiện nay là thuê tư vấn nước ngoài có năng lực kinh nghiệm tham gia giải quyết bài toán này để học hỏi, nâng cao trình độ, kinh nghiệm chuyên môn.
Hầu hết các công trình ngầm có quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM đều là công trình cấp đặc biệt, cấp 1, do đó, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật đều do Bộ Xây dựng, Bộ GTVT thẩm định. Nhiều công trình xây dựng trong 10 năm trở lại đây, thiết kế kỹ thuật lại do chủ đầu tư trực tiếp thẩm định và phê duyệt. Chỉ đến khi có Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng được ban hành thì công tác quản lý nhà nước trong các bước liên quan đến khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công… mới được ban hành.
Để quản lý công trình ngầm được chặt chẽ
Để tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với xây dựng công trình ngầm và quản lý kết nối không gian ngầm trên địa bàn TP.HCM một cách hiệu quả, theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM thì trước hết, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế công trình ngầm cần phải được bổ sung, ban hành kịp thời, đồng bộ, nâng cao tính thực tiễn (thông qua các nghiên cứu thực nghiệm trên các dự án cụ thể để thu thập số liệu đáng tin cậy từ hiện trường).
Bên cạnh Luật Xây dựng 2014 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, thì các quy định và hướng dẫn thực hiện về Quản lý chất lượng công trình cần được ban hành, đặc biệt là riêng đối với công tác khảo sát, thiết kế, thi công, kết nối không gian ngầm. Cần bổ sung cơ chế cụ thể về vai trò quản lý nhà nước trong kiểm soát quá trình thi công, phương án tổ chức thi công… Cần có quy định bắt buộc tính toán phạm vi ảnh hưởng, đề xuất biện pháp xử lý khi lập phương án thi công phần ngầm.
Ngoài ra, xem xét lại quy định về chi phí thiết kế công trình, nhất là đối với các công trình ngầm, công trình có nhiều tầng hầm. Mức chi phí thiết kế hiện nay khoảng 1 - 2% chi phí xây dựng là quá thấp so với mức khoảng 4 - 6% của tư vấn nước ngoài, không khuyến khích được các đơn vị tư vấn đào tạo được các nhân sự giỏi, chuyên sâu từng lĩnh vực, nhất là công trình ngầm là lĩnh vực hiện nay chủ yếu vẫn thuê tư vấn nước ngoài thực hiện thiết kế.
Về công tác quy hoạch, kết nối không gian ngầm, cần ban hành kịp thời các cơ chế chính sách liên quan đến quản lý nhà nước, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong và ngoài nước, áp dụng hoặc vận dụng để xây dựng quy hoạch không gian ngầm. Thêm đó, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu để đáp ứng được điều kiện kinh nghiệm, năng lực phù hợp với công trình cao tầng có nhiều tầng hầm.