27/09/2013 7:22 PM
Sáng 27/6, cuộc tọa đàm với chủ đề “Gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cấp sổ đỏ” đã được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số địa phương.

Những nội dung được đề cập đến tại buổi tọa đàm đều là những vướng mắc đối với cơ quan chức năng trong thực hiện mục tiêu của Chỉ thị 05, đồng thời cũng là bức xúc của người dân ở nhiều địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố lớn như các trường hợp xin cấp sổ đỏ vướng về hồ sơ nguồn gốc đất, hiện tượng trung gian, cò mồi; thói quen xin, cho; bệnh quan liêu, tiêu cực của cán bộ thực thi; việc miễn, hoãn nộp tiền thuế sử dụng đất, lệ phí trước bạ… trong tiến trình cấp sổ đỏ.

Theo Nghị quyết số 30/2013/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 24/4 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013 việc cấp cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất (sổ đỏ) phải đạt 95% trở lên đối với trường hợp đủ điều kiện; đạt 85% diện tích sử dụng trở lên đối với các loại đất chính.

Đây được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ cấp Trung ương đến các cấp cơ sở.

Gắn trách nhiệm cấp sổ đỏ với việc hoàn thành nhiệm vụ trong năm của công chức

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, với sự cố gắng của trung ương, địa phương, kết quả đạt được tương đối tích cực.

Cả nước đã cấp được 36,5 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,36 triệu ha, đạt 84,1% diện tích cần cấp giấy chứng nhận của cả nước. Về đất ở đô thị, tỷ lệ cấp đạt 81,1%; còn 29 tỉnh đạt dưới 85%. Về đất ở nông thôn: đã cấp đạt 85,5%; còn 27 tỉnh đạt dưới 85%.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp đến các địa phương chậm tiến độ hay còn gặp vướng mắc để chỉ đạo giải quyết.

Mặt khác, Bộ thường xuyên giao ban với các tỉnh có số lượng tồn đọng còn nhiều (22 tỉnh), tổ chức giao ban 3 tháng, 6 tháng/lần, trên cơ sở đó giải quyết vướng mắc đồng thời đôn đốc địa phương đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Ông Hiển cho rằng cho đến nay, những trường hợp còn lại chưa dược cấp sổ đỏ đều có một số vướng mắc do sai phạm hoặc các vấn đề pháp lý liên quan đến nhiều biên. Việc giải quyết những trường hợp này đòi hỏi có sự cố gắng của các bên và không thể làm trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, Chính phủ đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị cần thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, vì vậy trách nhiệm của các ngành, địa phương là phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cao nhất có thể.

Ngoài ra, việc đánh giá nhiệm vụ này sẽ được gắn với việc hoàn thành trách nhiệm cán bộ, công chức hàng năm. Địa phương nào không hoàn thành, kể cả Bộ Tài nguyên Môi trường thì cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng điều quan trọng nhất là cán bộ chức năng, có liên quan phải ý thức rõ trách nhiệm của mình để phấn đấu hoàn thành, ông Hiển nhấn mạnh.

Khắc phục khó khăn về kinh phí

Thừa nhận vấn đề kinh phí đúng là ảnh hưởng đến tiến độ cấp sổ đỏ, ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng đây cũng là nguyên nhân rất quan trọng ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch của các địa phương.

Ông Lịch cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cấp 1.000 tỷ đồng hỗ trợ 42 tỉnh cho công tác đo đạc và cấp sổ đỏ. Tuy nhiên khối lượng các tỉnh thực hiện được phần lớn trong năm 2012.

Trong năm 2012-2013, phần dành 10% tiền thu từ sử dụng đất tại các địa phương cho việc đo đạc, lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận cũng hết sức khó khăn vì nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất giảm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo, xem xét hỗ trợ các tỉnh có khó khăn về kinh phí để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận lần đầu trong năm 2013.

Nâng cao năng lực bộ phận một cửa, mở rộng đối tượng miễn giảm phí, lệ phí

Về ý kiến đề xuất thay đổi cơ chế, làm sao cán bộ phải đi xin cấp sổ đỏ cho dân để tránh tiêu cực, ông Lịch cho rằng theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, người sử dụng đất phải đăng ký với cơ quan Nhà nước, trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với các nước, chủ sở hữu, sử sụng đất bỏ kinh phí thực hiện công tác đo đạc lập hồ sơ địa chính. Tại Việt Nam, nhà nước đầu tư các công tác đo đạc địa chính đất đai, người dân nộp khoản lệ phí cấp giấy chứng nhận và phí thẩm định.

Về vấn đề này, Thủ tướng đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh tập trung thực hiện, trong đó các vấn đề là nâng cao năng lực các văn phòng đăng ký sử dụng đất; thực hiện trung tâm “một cửa.” Đội ngũ cán bộ công chức phải nâng cao, đề cao trách nhiệm, tiến hành thanh tra chống tiêu cực để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giải đáp về quy định miễn nộp lệ phí trước bạ trong việc đăng ký cấp sổ đỏ, ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Chính phủ đã quyết định giảm mức thu lệ phí trước bạ từ 1% xuống 0,5% và miễn thu cho nhiều đối tượng, nhất là cấp giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp, các hộ chính sách, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, mức thu hiện tại là 0,5% mà như các địa phương phản ánh, đối với bà con nông dân ở nông thôn, thông thường phải nộp từ 3 triệu, 5 triệu, 10 triệu đồng cũng còn là cao.

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã cho phép miễn thu lệ phí trước bạ đối với các đối tượng là hộ gia đình cá nhân mà sử dụng đất ở do nhận thừa kế, nhận tặng, cho của ông bà, bố mẹ, anh em con cháu trong gia đình.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định này, một số địa phương phản ánh vẫn còn vướng mắc do sử dụng đất thường theo truyền thống cha truyền con nối mà người dân không làm thủ tục thừa kế theo quy định.

Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ Tài chính cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiến hành rà soát sửa đổi theo hướng quy định cụ thể, khi cấp giấy chứng nhận lần đầu, những trường hợp mà hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc ông cha để lại cũng miễn lệ phí trước bạ như trường hợp được nhận thừa kế.

Liên quan đến việc số lượng ít sổ đỏ được cấp cho người nước ngoài, các khách mời cho biết qua 5 năm thực hiện, đã có khoảng 520 giấy chứng nhận đã được cấp cho người nước ngoài mua nhà sở hữu ở Việt Nam trên 18 tỉnh/thành phố.

Ngoài lý do còn tồn đọng hồ sơ, trong quá trình thực hiện cũng có một số sai phạm, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài mua nhà sở hữu ở Việt Nam theo quy định là được mua chung cư, nhưng cũng có những người được mua đất, đất vườn.

Một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài thông qua người thân đứng tên, nên cũng có một số vụ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện trong vấn đề này.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và ông Vũ Văn Đát, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã trực tiếp trả lời câu hỏi của các bạn đọc về những vướng mắc cụ thể trong việc đề nghị cấp sổ đỏ ở Hà Nội và Quảng Ninh.

Quang Vũ (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.