Một dự án dang dở tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh, sở dĩ số dự án thu hồi nhiều nhưng thực hiện được ít là do những nguyên nhân sâu xa khách quan và chủ quan. Thứ nhất, đa số các dự án này được giao cấp đất từ những năm đầu tỉnh có chủ trương mở cửa, kêu gọi và ưu đãi đầu tư (giai đoạn từ năm 1990-2000). Lúc đó, pháp luật về quản lý đất đai còn rất lỏng, việc phê duyệt các dự án cũng chưa chặt chẽ.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ, không tên tuổi, không đủ năng lực tài chính, ngành nghề chuyên môn nhưng cũng dễ dàng lập dự án và được giao đất. Mục đích của họ ngày càng lộ rõ là lợi dụng chính sách ưu đãi của tỉnh để giành đất và "ủ" đất để san nhượng, chuyển đổi, bán lại dự án chứ không triển khai. Chính vì vậy, ở một nơi đất quý hơn vàng như Hạ Long hiện có tới hàng ngàn hecta đất ngay trong lòng đô thị, ngay khu du lịch Bãi Cháy hái ra tiền vẫn chỉ là bãi cỏ hoang có rào chắn.
Các dự án khu chung cư Trần Hưng Đạo, dự án mở rộng bến xe Nam Bãi Cháy, khu du lịch Đông Hùng Thắng, Công ty cổ phần Quốc tế Hòn Gai... là những ví dụ. Vấn đề phức tạp còn ở chỗ, trước các quyết định thu hồi luôn có sự can thiệp của nhiều mối quan hệ khiến các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là nguyên nhân khiến việc triển khai các quyết định thu hồi đất luôn bị ách tắc. Thực tế, trong số trên 200 dự án với hơn 20.000ha đã có quyết định, cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được đất đối với 18 dự án với tổng diện tích 100ha mà thôi.
Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Đọc thừa nhận, thu hồi đất đối với các dự án treo không hề đơn giản, không thiếu gì những “tình huống tế nhị” ngay trước khi tỉnh ra quyết định thu hồi. Tuy nhiên, xuất phát từ lợi ích chung, cần phải thiết lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực quản lý đất đai, Quảng Ninh luôn ưu đãi các nhà đầu tư nhưng quyết không để ai lợi dụng cơ chế chính sách này để trục lợi. Khó nhưng không thể không làm và đã nói là đi đôi với làm