Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù diện tích đất nông nghiệp thu hồi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm rất lớn, tác động tới hàng trăm nghìn hộ dân nhưng các quy định về hỗ trợ ổn định đời sống cho người nông dân bị thu hồi đất sản xuất hiện nay là chưa phù hợp.

Đời sống người nông dân hậu thu hồi đất còn bấp bênh

Sau thu hồi là thất nghiệp


Theo ông Lê Tuyển Cử - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH-ĐT), do nhiều nguyên nhân, các khu công nghiệp chưa thu hút được nhiều lao động nông nghiệp, đặc biệt là lao động từ các hộ gia đình bị thu hồi đất. Điều này dẫn đến hệ quả, một bộ phận người dân sau khi bị thu hồi đất mất việc làm, chưa biết sử dụng tiền đền bù để tái đầu tư vào các ngành nghề phi nông nghiệp nhằm ổn định cuộc sống.


Cùng mối lo, TS. Chu Tiến Quang - Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, 5 năm qua, việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động đến đời sống của trên 627.000 hộ dân, với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều hộ dân rơi vào tình trạng không có đất canh tác. Ông nói: “Nếu không có những biện pháp chính sách đồng bộ để xử lý thỏa đáng thì người nông dân dễ rơi vào bần cùng hóa, xã hội bất ổn và sự phát triển không bền vững...”. Đại diện Viện Quản lý kinh tế Trung ương phân tích, hiện nay người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp thường không được đền bù với giá kỳ vọng mà dựa trên quan điểm hỗ trợ người nông dân, không phải theo giá thị trường. Trong khi đó, hầu hết các nước áp dụng mức đền bù cho nông dân khi thu hồi đất theo giá trước khi có đầu tư mới vào đất hoặc dựa trên thiệt hại thực tế của dân.


Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ đánh giá, do chưa được quan tâm đúng mức về đào tạo nghề sau thu hồi đất, có nơi, người nông dân rơi vào tình cảnh sống rất khó khăn vì thiếu sinh kế. Số tiền được bồi thường không biết sử dụng hợp lý, thường bị tiêu hoang phí hoặc bài bạc... Ngược lại, trong một số ít trường hợp, cơ chế tự thỏa thuận dẫn tới tình trạng người dân đòi nhà đầu tư với giá rất cao, dẫn đến nhà đầu tư phải bỏ dự án.


Chia sẻ lại lợi ích


TS. Chu Tiến Quang kiến nghị, để giải bài toán “hậu thu hồi đất” cần có một đạo luật riêng về thu hồi đất nông nghiệp, trong đó quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, thời hạn thực hiện các nghĩa vụ trong thu hồi đất cần tính đến việc sử dụng đất đã thu hồi. Đồng thời, tăng cường tính công khai, dân chủ trong quá trình thu hồi đất. Bên cạnh đó cần thiết lập các tòa án riêng cho lĩnh vực đất đai để giải quyết triệt để các tranh chấp, cũng như các quy định về khiếu nại, giải quyết đơn khiếu nại… Hiện nay, các quy định về hỗ trợ ổn định đời sống của nông dân bị thu hồi đất sản xuất hiện nay là chưa phù hợp. Đặc biệt, cần làm rõ tiêu chí xác định “giá chuyển nhượng trên thị trường trong điều kiện bình thường. Thêm vào đó là quy định rõ thời điểm áp dụng giá đền bù, kết hợp thêm hỗ trợ phi tài chính để tránh “sốc” cho nông dân.


Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, có thể xây dựng một đạo luật riêng hoặc bổ sung quy định ngay trong Luật Đất đai sửa đổi về những bất cập trong thu hồi đất nông nghiệp hiện nay. Bản chất của bi kịch từ thu hồi đất đều có nguồn gốc từ lợi ích, do vậy việc cần làm là phải chia sẻ lợi ích sao cho công bằng. TS. Lê Tuyển Cử đề xuất, cần sớm cho phép quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích người dân có đất bị thu hồi tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các dự án đầu tư, thành lập doanh nghiệp.
Theo Chính Trung (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.