Thiếu vốn do chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường bất động sản hầu như trầm lắng, đặc biệt là hai đô thị "đầu tàu”: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các nhà đầu tư, các chuyên gia trong ngành vì vậy đang "vật vã” mong muốn tìm ra những giải pháp ổn thỏa nhất cho thị trường này trong trung và dài hạn.

Thị trường bất động sản: Khởi sắc khi “chữa đúng bệnh”

"Bắt mạch đúng bệnh”, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc


Tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ


Thị trường bất động sản thời gian qua được đánh giá là trầm lắng nhất từ trước đến nay, thậm chí có thể nói là "đóng băng”. Nguyên nhân chính có thể thấy ngay là do chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Thị trường tiền tệ - tín dụng là nguồn vốn chủ yếu cho hoạt động đầu tư tạo lập bất động sản, bởi vậy, những biến động của thị trường tiền tệ - tín dụng lập tức tác động mạnh lại thị trường bất động sản. Biểu hiện rõ hơn cả là thị trường căn hộ chung cư. Từ đầu năm đến nay, các dự án chung cư tại Hà Nội không ngừng được tung ra. Ước tính, 6 tháng đầu năm, tại Hà Nội có khoảng 20.000 căn hộ chung cư được đưa ra thị trường. Song, do nguồn vốn bị thắt chặt, nguồn cung tăng cao và thanh khoản kém buộc các chủ đầu tư phải tìm cách kích cầu bằng khuyến mãi và chiết khấu cho người mua. Ông Nguyễn Mạnh Hà –Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định, thị trường TP.Hồ Chí Minh giá căn hộ giảm, giao dịch trầm lắng, hiện nay khoảng 9 triệu đồng/m2, cộng với tiền sử dụng đất, tiền chuẩn bị đầu tư, thủ tục pháp lý, GPMB... hiện tại nhiều chủ đầu tư tại đây đang bán căn hộ với giá trung bình khoảng 13-15 triệu đồng/m2 thì gần như không còn dư địa giảm giá nữa. Còn đối với thị trường chung cư Hà Nội, giai đoạn 2009-2010 giá chung cư đã tăng khoảng 40%, chỉ giảm nhẹ trong những tháng gần đây, vì thế vẫn còn nhiều cơ hội giảm giá bán.


Dù vậy, theo nhận định của một số chuyên gia, trước những diễn biến có chiều trầm lắng của thị trường bất động sản thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã và đang mạnh dạn chuyển dịch luồng tiền vào vùng ven ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên... bởi Hà Nội sẽ hình thành vùng đô thị chùm trong tương lai. Với cách làm này, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có cơ hội thu lời lớn khi thị trường bất động sản ấm dần lên.


Các chuyên gia dự báo, hiện tượng giảm giá của thị trường bất động sản thời gian qua chỉ là bước lùi tạm thời. Bởi vì, nhu cầu nhà ở của người dân tại các khu đô thị trung tâm Hà Nội và cả TP. Hồ Chí Minh vẫn rất lớn, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân ở các tỉnh đối với các trung tâm đô thị cũng nhiều không kém.


Dòng vốn nên tìm đúng "đối tượng”


Tại Đại hội Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ III diễn ra hôm 16-7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh: Vấn đề trước mắt và lâu dài cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay chính là nguồn vốn. Việc cần làm trước mắt là phải kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư; điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng loại hình bất động sản, cân đối nguồn vốn đáp ứng cho cả cung và cầu, hạn chế cho vay đầu cơ, rủi ro cao.


Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, trước những khó khăn hiện nay, vấn đề đầu tiên mà các chủ đầu tư bất động sản cần làm là cần điều chỉnh cơ cấu kinh doanh, hướng mạnh vào phân khúc thị trường có khả năng thanh toán, chẳng hạn như nhà ở với diện tích vừa phải có giá "mềm” dao động từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Hoặc các dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội; đẩy mạnh áp dụng công nghệ, vật liệu mới để giảm chi phí đầu tư... Riêng đối với ngân hàng, không nên hạn chế mà ngược lại cần phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển bất động sản thiết yếu cho dân sinh và phát triển kinh tế. Chỉ nên hạn chế những người vay để mua đi bán lại bất động sản kiếm lời làm méo mó thị trường, còn những người có nhu cầu thực sự vẫn cần cho họ vay để cải thiện nhà ở.

Theo Duy Phương (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.