Trong khi đó, ở TPHCM các căn hộ cùng loại rẻ nhất cũng 600 triệu đồng. Nguyên nhân do đầu cơ hay do đâu? Cũng theo ông Châu, thủ tục cho 1 dự án nhà ở tại các nước nói trên chỉ mất 3 tháng còn nước ta mất… 3 năm. Thời gian ấy bao nhiêu chi phí đổ ra: lương nhân công, lãi vay ngân hàng, trượt giá… Đó là nguyên nhân chính để đẩy giá nhà đi quá xa so với thu nhập của người dân.
Cuối tuần qua, tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII có ý kiến chất vấn cơ quan chức năng rằng: “Hiện nay thị trường BĐS đang bị đóng băng, nhiều doanh nghiệp đã hạ giá căn hộ nhưng vẫn không bán được. Thành phố có cách nào để kích thích thị trường BĐS phát triển trở lại? Đồng thời đánh giá thị trường này sẽ như thế nào trong những năm tới?”.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM Thái Văn Rê cho rằng thị trường BĐS đóng băng có nhiều nguyên nhân nhưng dễ thấy nhất là doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường.
Theo ông, doanh nghiệp nên tập trung vào nhu cầu của người thu nhập thấp thay vì xây nhà giá cao cho tầng lớp trung lưu trở lên với số tiền hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Để giải quyết vấn đề này cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, Chính phủ đã mở ra theo hướng ngân hàng cho doanh nghiệp BĐS vay đối với các dự án đầu tư có hiệu quả.
Còn ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng để kích thích thị trường BĐS phát triển phải giảm giá càng thấp càng tốt. Theo ông Hà, giá BĐS hiện nay còn rất cao so với nhu cầu xã hội. Giá BĐS cao là do giá đất chứ không phải do xây dựng.
Giá đất ở TPHCM thuộc loại cao nhất thế giới. Ông Hà khẳng định giá và các quy định về đất đai chính là "điểm nghẽn" lớn nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế. Vì thế cần phải thay đổi tận gốc chính sách đất đai. Bởi khi còn tình trạng tập trung vốn cho đền bù đất thì không nền kinh tế nào phát triển được.
Trong khi đó, phía doanh nghiệp cho rằng phần lớn giá bán của phân khúc hiện nay từ huề vốn tới lỗ. Bởi, doanh nghiệp cần tiền để duy trì bộ máy, trả nợ ngân hàng… còn hơn là chết trên đống tài sản. Vậy cái nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao có phải do… cơ chế mà ra?
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cũng thừa nhận chính sách pháp luật về đất đai quá phức tạp. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, kéo dài thời gian thực hiện dự án làm cho chi phí giá thành đội cao.