06/07/2012 1:40 PM
Vi phạm pháp luật về đất đai, 8 doanh nghiệp đã bị TP Hà Nội lập hồ sơ thu hồi đất. Trong đó, riêng Tập đoàn Nam Cường bị đề nghị thu hồi nhiều nhất, với hơn 8 triệu m2 đất. Đây là động thái quyết liệt mới nhất của UBND TP Hà Nội trong việc xử lý các dự án “treo” và vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn.

Giới thiệu về Khu đô thị mới Thạch Thất trên Website của Tập đoàn Nam Cường

8 địa chỉ vi phạm

Hôm qua, 5-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan lập hồ sơ thu hồi đất của 8 đơn vị, doanh nghiệp do vi phạm Luật đất đai, với tổng diện tích thu hồi cực lớn, trình UBND TP ra quyết định thu hồi trong tháng 7-2012. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất, lên tới hơn 803 ha tại 6 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Thạch Thất.

Tiếp đó, Công ty CP Thiết bị giáo dục I (22.340 m2 tại 62 Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân); Chi nhánh Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam - Nhà máy cơ khí công trình (23.742,5 m2 tại 199 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam- Công ty cổ phần (10.000 m2 tại Cụm công nghiệp Duyên Thái, huyện Thường Tín); Công ty TNHH Vina Apollo Tech (13.020m2 tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ); Công ty CP Lương thực Hà Sơn Bình (2.840m2 tại tiểu khu Mỹ Lâm, Thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên); Công ty TNHH Hương Đạt (400 m2 tại số 46, ngõ 325 Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng); Công ty CP Cầu 5 Thăng Long (1.172 m2 tại khu bờ Bắc sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên).

Đây là đợt đề nghị thu hồi đất đai có vi phạm lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội. Đáng chú ý, trong đó, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội bị đề nghị thu hồi nguyên một khu đô thị rộng tới 803 ha (Khu đô thị Thạch Thất). Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, liên tiếp trong 3 năm qua (2009-2011), các lực lượng chức năng đã tham mưu cho UBND TP ra quyết định thu hồi đất của 29 tổ chức có vi phạm pháp luật đất đai với tổng diện tích 214.286,5 m2 đất. Trong đó, năm 2010, số thu hồi lớn nhất với 13 đơn vị và 135.913 m2 đất. Ngoài hình thức thu hồi, TP cũng ra quyết định xử phạt hành chính với 68 đơn vị, với tổng số tiền phạt gần 1,4 tỷ đồng...

Xử lý nghiêm, không có ngoại lệ

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, qua thanh tra, tất cả các trường hợp sử dụng đất nêu trên đều vi phạm Luật đất đai. Do đó, cùng với việc kiên quyết thu hồi và xử lý vi phạm để sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả, UBND TP giao Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất TP phối hợp với Quỹ phát triển đất lập kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện GPMB, hoàn trả kinh phí cho các doanh nghiệp đã đầu tư trên đất theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp này phải phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố trong việc thu hồi đất và giải quyết các quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan khi GPMB, thực hiện quyết định thu hồi đất theo đúng quy định. Lãnh đạo TP cho rằng, xử lý vi phạm pháp luật đất đai không có ngoại lệ. Mọi vi phạm đều xử lý theo quy định của pháp luật, không có chuyện phân biệt dự án nhỏ hay lớn.

Theo hồ sơ của Sở TN-MT Hà Nội, vi phạm của các đơn vị này rất đa dạng. Có doanh nghiệp “ôm” đất rồi bỏ không. Có đơn vị lại tự ý cho doanh nghiệp khác thuê lại, sử dụng sai mục đích hay cố tình không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đơn cử, Sở TN-MT cho biết, Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam - Công ty cổ phần (hiện đang sử dụng đất tại Cụm công nghiệp Duyên Thái, huyện Thường Tín), đã không sử dụng đất sau 45 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép là vi phạm Điều 15 Luật đất đai, khoản 12 Điều 38 Luật đất đai, khoản 2, Điều 20 Nghị định 105/2009/NĐ-CP.

Cũng theo Sở TN-MT, với trường hợp Chi nhánh Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam - Nhà máy cơ khí công trình, sử dụng đất tại 199 phố Minh Khai, doanh nghiệp này đã không lập hồ sơ đăng ký sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước để được ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất từ năm 1996 đến năm 2011 (mặc dù đã được kiểm tra, đôn đốc).

Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.