Bùn lầy nhấn chìm đồng ruộng
Hưng Thịnh vốn được biết đến là vùng đất nhận được nhiều sự ưu ái của thiên nhiên. Sau gần 40 năm cải tạo, khai hoang lập nghiệp của đồng bào miền xuôi, vùng đất nơi đây đã trở thành vựa lúa lớn nhất của toàn huyện. Thế nhưng, đến nay, đồi không còn mà ruộng thì cũng đã bị nhấn chìm bởi hàng nghìn tấn đất đá, bùn lầy và hàng trăm thứ chất thải đổ xuống từ khu khai khoáng.
Chị Đinh Thị Luyến đang cuốc đất chuẩn bị đất cho vụ đông xuân.
Nhớ lại những ngày tháng 5/1975 lịch sử, anh Phạm Văn Kha (thôn Yên Thành, Trấn Yên) vẫn còn xúc động: “Ngày đất nước giành độc lập, nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, bố mẹ tôi bỏ lại nhà cửa đưa cả gia đình lên khai hoang ở vùng đất Trấn Yên này. Ngày đấy, các gia đình đi khai hoang khổ trăm bề, ăn đói, mặc rách, nhà không có mà ở. Ngay cả nước dùng cũng thiếu thốn”.
“Trước đây, cả một vùng rừng núi Trấn Yên chỉ toàn là đất cằn và sỏi đá. Người đi khai hoang toàn phải tự cày cuốc bằng tay. Có khi làm xong, tay chân bật cả máu. Nhờ thế mới mở được mấy ha đất ruộng như bây giờ”.
Gạt ngang giọt mồ hôi trên trán, chị Đinh Thị Luyến (49 tuổi, Kim Bình, Hưng Thịnh) đang cuốc đất tại khu ruộng ngập bùn lầy, than thở: “Đất ruộng trông thế này thôi nhưng lầy lội lắm. Mùa lũ vào tháng 5, tháng 6 thì ngập ngụa nào là đất đỏ, đất mùn và rác thải theo nguồn nước ở kênh trên đồi khai thác khoáng sản ồ ạt đổ xuống. Lúa dù có đơm bông được cũng bị chết nghẹn, thế nên, năng suất lúa kém xa so với những năm về trước”.
Chị Luyến kể, nhà chị có 5 sào ruộng, thì có tới 2 sào phải bỏ hoang vì năm nào bùn đỏ cũng ngập ruộng. Đất ít, công việc không có nên cả 4 nhân khẩu nhà chị Luyến phải bỏ xới, nay đây mai đó đi kiếm miếng cơm manh áo. Hai cậu con trai thì bỏ nhà đi làm thuê. Đứa lớn thì đi làm thuê trong Nam, đứa nhỏ thì nay làm chỗ này, mai chỗ khác. Giờ thì đến cả vợ chồng chị cũng phải tha phương cầu thực. Anh đi làm thợ xây, chị hết mùa ra Hà Nội làm tạp vụ cho nhà nghỉ.
Theo lời chị Luyến, trước đây, khi Công ty cổ phần khoáng sản Hòa Yên chưa vào khai thác khoáng sản, 5 sào ruộng nhà chị cũng cho thu hoạch được ít nhất 1,4 tấn. Nhưng từ ngày công ty này tổ chức khai khoáng, ruộng đất bị bùn lấp, nước bị ô nhiễm nên lúa còi cọc, cả vụ chỉ thu giỏi lắm được 6 tạ là may. Đến giờ, có bán lúa cũng không đủ tiền trả công, phân bón…
Không riêng gì gia đình chị Luyến mà lâu nay hàng chục gia đình ở đây cũng chịu chung cảnh đó.
Nguy cơ mất trắng hơn 100 ha đất lúa
Đưa chúng tôi đi thăm những thửa ruộng vốn màu mỡ trước đây, ông Đinh Văn Trường -Trưởng công an viên thôn Kim Bình buồn rầu cho biết: “Trước đây, bà con thôn bản đã mất bao công sức mới vét được con kênh dài hàng chục cây số dẫn nước từ trên nguồn xuống; nay con kênh này đã bị nước thải, đất đá của khu khai khoáng tràn qua khiến hàng chục ha đất lúa bị hoang hóa”. Không chỉ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà ngay cả hai bể nước sạch được Nhà nước xây dựng cấp nước sinh hoạt cho bà con cũng đã đầy bùn đất, không còn khả năng lọc rửa nữa.
Ông Trường vừa nói vừa xắn quần lội xuống thửa ruộng đưa tay móc từng vốc đất đỏ, phải mất 4 đến 5 lần, ông mới móc hết được lớp đất mùn đỏ ở trên và chạm tay được vào những thớ đất dùng để cấy lúa. “Đấy là vừa kết thúc mùa gặt, chứ mà lội vào mùa lũ thì lớp đất bùn ngập tận bắp đùi. Có khi lúa đến lúc thu hoạch còn bị đất bùn vùi cho ngập thân”.
Tận mắt chứng kiến nguồn nước tại con kênh mới thấy ông Trường nói không hề ngoa. Con kênh có chiều rộng khoảng 4 m giờ đã bị đất mùn và đất thải quặng bồi lấp mất một nửa, nguồn nước vì thế cũng mang một màu đỏ ngầu của quặng thải.
“Người dân kiến nghị nhiều lắm rồi. Xã biết, huyện biết, tỉnh cũng biết, nhưng cuối cùng thì thế này đây”, anh Kha buồn rầu.
Hơn 30 năm qua, từ chỗ chỉ có chừng chục ha đất trồng lúa, nhờ công sức của bà con, Hưng Thịnh đã có hơn 200 ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 140 ha đất trồng lúa. Vậy nhưng, công sức chắt chiu của bao con người nơi đây đang có nguy cơ bị mất sạch bởi việc cấp phép khai thác khoáng sản quá ồ ạt.
“Sắp tới, nếu đưa vào khai thác cùng lúc 11 mỏ quặng khác thì không chỉ lúa chết, mà có khi người cũng không sống nổi. Rồi thì hàng chục thửa ruộng bờ xôi ruộng mật của chúng tôi cũng sẽ bị nhấn chìm trong bùn lầy. Cứ đà này, chả phải đợi đến chục năm nữa, mà chỉ 3 - 4 năm nữa thôi, hơn 100 ha đất trồng lúa gần khu vực khai thác khoáng sản của xã sẽ trở thành vùng hoang hóa”, ông Trường than thở.
-
Thận trọng khi đất ruộng, đất vườn nhảy giá
CafeLand - Mặc dù đánh giá là kênh trú ẩn an toàn và sẽ là xu hướng chủ đạo trong năm 2021, nhưng giới chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo đối với những ai có ý định đầu tư vào đất nền. Nhất là vào thời điểm cuối năm, thị trường sôi động hơn sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.