30/08/2012 5:04 PM
Đoàn giám sát của HĐND TPHCM vừa giám sát việc thực hiện bồi thường và tái định cư (TĐC) tại quận 7 và huyện Nhà Bè. 2 buổi giám sát này mở đầu đợt giám sát của Đoàn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của HĐND TPHCM khóa VII và Quyết định 156 của UBND TP về thực hiện các chế độ chính sách trong bồi thường, hỗ trợ, TĐC và đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án phải giải tỏa, di dời.

TĐC trước khi di dời

Báo cáo với Đoàn Giám sát, UBND huyện Nhà Bè cho biết những bất cập trong chính sách bồi thường, TĐC như chưa có quy định về mức bù chênh lệch giữa đơn giá bồi thường và đơn giá mua nền đất TĐC làm cho người dân bức xúc, địa phương lúng túng vì không có thẩm quyền giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Trường dẫn chứng: Năm 2008, Khu đô thị mới Phước Kiển - Nhơn Đức được UBND TP phê duyệt đơn giá đất ở là 6,6 triệu đồng/m2, nhưng mãi gần đây, TP mới phê duyệt đơn giá cho huyện Nhà Bè mua nền đất TĐC cho người dân bị thu hồi thuộc dự án này với giá 10-11 triệu đồng/m2.

“Người dân chắc chắn không chịu bù chênh lệch vì rất bất hợp lý, vậy tiền chênh lệch này ai chịu?”- ông Trường bức xúc. Thêm một dự án khác là dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, mặc dù được triển khai từ năm 2006 nhưng hiện vẫn chưa đền bù giải tỏa xong.

Theo đó, còn 25 hộ dân tạm cư thuộc dự án suốt 6 năm qua mỏi mòn chờ nhận nền TĐC vì Cảng Sài Gòn (chủ đầu tư dự án) và người dân chưa thống nhất được mức bù chênh lệch giữa đơn giá bồi thường và đơn giá mua nền TĐC. Cụ thể, giá bồi thường của dự án này được đưa ra ban đầu là 5,2 triệu đồng/m2, nhưng giá bán nền TĐC TP duyệt năm 2011 lên đến 11 triệu đồng/m2.

Theo UBND huyện Nhà Bè, những bất cập này xuất phát từ nguyên nhân huyện không có kinh phí tạo quỹ đất nên thiếu quỹ đất TĐC. “Để tránh tình trạng giải tỏa trước, rồi nhiều năm sau mới TĐC cho dân, UBND TP cần rót kinh phí để địa phương tạo quỹ đất TĐC.

Đối với những dự án nợ nền TĐC, chưa có căn hộ chung cư để bố trí mà nếu đơn giá TĐC cao hơn đơn giá bồi thường, chủ đầu tư dự án phải bù phần chênh lệch này, xem đây là mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho dân” - ông Trường kiến nghị.

Doanh nghiệp chưa hết trách nhiệm

Khác với huyện Nhà Bè, tại buổi giám sát, UBND quận 7 cho biết tất cả hộ dân trong dự án thuộc ngân sách đều được bố trí TĐC trước khi di dời, không có bất cứ trường hợp nào tạm cư vì quận đã chuẩn bị đủ quỹ nhà và nền đất TĐC trước khi thực hiện dự án.

Đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách, trên địa bàn quận chỉ có 1 dự án chưa bố trí TĐC do vị trí quy hoạch nền đất để bố trí TĐC chưa giải tỏa, do đó còn 5 trường hợp tạm cư. UBND quận 7 cho biết, chủ đầu tư dự án hứa trong quý III-2012 sẽ bố trí TĐC cho 5 trường hợp này.

Một khu tái định cư ở quận 12 (TPHCM). Ảnh: KIM NGÂN

Tuy nhiên, đối với việc thu Quỹ 156 (quỹ hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án), Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Hữu Hưng cho biết dù UBND quận 7 đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư những dự án trên địa bàn quận đóng góp cho Quỹ 156 nhưng hầu như các chủ đầu tư thuộc dự án không sử dụng vốn ngân sách đều không đóng góp vì cho rằng số tiền 3-5% trên tổng chi phí bồi thường và hỗ trợ rất lớn.

Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách có dự án, Trường Đại học Cảnh sát đóng góp hơn 1,24 tỷ đồng cho quỹ, còn lại các chủ đầu tư chưa đóng do chưa điều chỉnh được dự án đầu tư bổ sung thêm vốn cho dự án với số tiền gần 6,8 tỷ đồng.

Sau khi nghe UBND quận 7 báo cáo, bà Thi Thị Tuyến Nhung, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, hỏi: “Quận đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư đóng góp Quỹ 156 nhưng đến nay nhiều dự án đã thực hiện xong vẫn chưa đóng góp cho quỹ, tức văn bản của UBND không có hiệu lực?

Và như vậy kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 của HĐND TP và Quyết định 156 của UBND TP làm sao thực thi?”. Một đại biểu HĐND cũng đề nghị UBND quận 7 nên “siết” các chủ đầu tư có vốn ngân sách với lý do chưa được bổ sung vốn vì những dự án đã giải tỏa 80-90% rất cần vốn để hỗ trợ cho người dân theo tỷ lệ tương ứng giải tỏa chứ không phải đợi thực hiện xong mới nộp.

Bà Nguyễn Thanh Mai, Tổ trưởng Tổ chuyên viên của Hội đồng Quản lý Quỹ 156 TPHCM, cho rằng tất cả dự án vốn trong và ngoài ngân sách đều phải tuân thủ việc đóng góp cho Quỹ. Trong đó, các dự án trong ngân sách phải tuân thủ, ngoài ngân sách có thể thương lượng từ 3-5% và việc này phải có sự đồng ý của UBND TP.

Các đại biểu HĐND thuộc Đoàn Giám sát cho rằng, Quỹ 156 được hình thành từ Quyết định 156 là một chính sách hợp lòng dân. Bởi lẽ rất nhiều người dân thuộc các dự án di dời đều cần được hỗ trợ, chuyển đổi việc làm, giúp người dân tại nơi ở mới có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa làm tốt công tác này, đã dẫn đến tình trạng các hộ dân sau khi được bố trí TĐC lại bán để quay lại nơi cũ làm ăn, sinh sống.

Theo Bình Minh (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.