Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được sự quan tâm của hầu hết người dân cả nước. Sau 2 tháng, đã có gần 7 triệu ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai về nhiều nội dung như trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất, quyền lợi và trách nhiệm của người được giao quyền sử dụng đất, chủ sở hữu đất đai và đại diện chủ sở hữu… trong đó các vấn đề về bồi thường cho người dân bị thu hồi đất được khá nhiều ý kiến quan tâm.
Phân biệt rõ “bồi thường” với “hỗ trợ”
Theo GS Nguyễn Quang Thái, Ủy viên Hội đồng tư vấn Kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hệ thống quản lý đất đai tuy được hình thành và hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng về pháp lý, kỷ cương thực thi và giám sát. Vì vậy những xung đột xung quanh đất đai giữa người dân có đất với doanh nghiệp và chính quyền ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là những mâu thuẫn kinh tế, trong đó nổi lên rõ nhất là việc đền bù. Đã có nhiều quy định về việc đền bù, đảm bảo kế sinh nhai cho người dân bị thu hồi đất, nhưng trên thực tế những quy định đó vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện đầy đủ. Và bản thân một số quy định cũng chưa đảm bảo được lợi ích lâu dài cho người dân bị thu hồi đất.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ nhiệm Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt-Đức cũng cho rằng, việc dân khiếu kiện nhiều trong thời gian vừa qua có nguyên nhân là do việc có những văn bản liên quan đến đất đai chưa đúng với Hiến pháp. Vì không đúng nên người dân có cơ sở để khiếu kiện và khiếu kiện kéo dài.
Theo ông Phạm Gia Hải, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Kinh tế, hiện nay mắc mớ nhất là vấn đề về bồi thường. Vì thế, dự thảo Luật phải làm rõ khái niệm “bồi thường”. “Bồi thường cái gì, người dân suy nghĩ gì khi giải tỏa. Họ suy nghĩ hai vấn đề: Cuộc sống của họ sẽ như thế nào, và họ ở như thế nào. Luật mới đề cập đến việc bồi thường giá trị đất và nhà cửa bị phá đi. Còn việc đảo lộn cuộc sống của người dân thì chưa đề cập đến, hoặc đưa sang phần hỗ trợ. Hỗ trợ thì luôn co giãn, cho nên phải quy định thật rõ nội dung bồi thường gồm những gì”.
Thu hồi đất điều quan trọng là phải tạo ra điều kiện cần và đủ cho một cuộc sống mới của người dân (ảnh: kinhtedothi) |
Ông Phạm Gia Hải dẫn lời của Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội mà ông tâm đắc rằng, khi tổ chức thực hiện một dự án cần phải qua 3 giai đoạn, gồm: công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện và tái định cư, hậu tái định cư. Nhưng ở đây những chủ đầu tư mới chỉ tổ chức thực hiện dự án, bỏ qua giai đoạn 1 và 3. Nhiều dự án vừa công bố đã tiến hành giải phóng mặt bằng ngay. Thực tế đối với người dân, việc thay đổi chỗ ở và toàn bộ cuộc sống sinh hoạt và có thể ảnh hưởng đến cả phong tục tập quán của cộng đồng dân cư. Điều này tạo ra phản ứng ngược, hoặc người dân tìm cách cản trở quyết định đầu tư để giải quyết vướng mắc. Cần công khai bản quy hoạch từ 2 năm trở lên và chỉ rõ những hộ dân tái định cư sẽ được di chuyển đến đâu để họ có sự chuẩn bị trước, đồng thời phải có các cuộc điều tra xã hội học về việc làm, học hành của người dân. Điều quan trọng là phải tạo ra điều kiện cần và đủ cho một cuộc sống mới.
Ông Hải cũng đồng tình với quan điểm, bồi thường phải xem xét gồm những nội dung gì, chứ không đơn thuần là chỉ bồi thường cái nhà phá đi hoặc bồi thường đất, mà còn cả cuộc sống của người dân. “Nhiều dự án tiền hỗ trợ còn nhiều hơn tiền bồi thường, cho nên phải định danh cho rõ. Phần nào là hỗ trợ, phần nào là bồi thường”- ông Hải đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ nhiệm Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt-Đức cho rằng, theo quy định của Nhà nước đất đai là sở hữu toàn dân, nghĩa là người dân có quyền sở hữu, Nhà nước chỉ quản lý về đất đai. Và trong điều 72 dự thảo Luật quy định rõ: “Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại điều 72 của Luật thì được bồi thường bằng giao đất mới có cùng mục đích sử dụng đất với loại đất vị thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền”.
Theo ông Tuấn, cần phải làm rõ khái niệm “bằng tiền” trong Luật, nghĩa là phải bằng tiền Nhà nước thu của đơn vị mới. Nếu như vậy dân sẽ không thắc mắc. “Còn nếu “bằng tiền” mà thấp hơn tiền thu của đơn vị mới thì dân sẽ thắc mắc và mâu thuẫn sẽ không bao giờ chấm dứt. Hiện nay đang có tình trạng Hiến pháp quy định một đằng, thực hiện một nẻo. Như vậy phải sửa những điều chưa hợp lý trong Luật Đất đai, có sửa được điều này chắc chắn sự khiếu kiện sẽ được chấm dứt”- Ông Tuấn nói.
Phải tính cả thời gian sử dụng của hộ dân trên mảnh đất
Ông Trần Văn Tư, Trưởng pḥòng Cơ chế chính sách, Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, giá đất khi thu hồi và giá đất khi giao có sự chênh lệch nhau. Giá đất khi giao là “giá cả”, nhưng khi thu hồi là giá trị chưa tính đủ. “Vậy Nhà nước định giá chính là giá trị, mà giá trị chưa tính đủ. Chúng ta mới chỉ tính giá hiện tại của đất tại thời điểm đó. Chúng ta phải tính thời gian sử dụng của hộ dân trên mảnh đất của họ. Nếu Luật quy định là 50 năm, giá trị của mảnh đất đó cũng được tính như vậy, để người dân nhận được giá trị đó và đảm bảo cuộc sống của họ sau này. Nếu không chúng ta sẽ mắc phải tình trạng như vừa qua là các gia đình nhận tiền bồi thường xong là cha con lục đục, tệ nạn xã hội xâm nhập vào các địa phương đó. Sắp tới, trong quá trong xây dựng Luật ngay từ Chương đầu, nguyên tắc xây dựng Luật phải được cụ thể, để các Chương sau chỉ việc tham chiếu, tuân thủ theo các nguyên tắc đó”.
Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội cũng cho rằng, Luật cần quy định rõ về nguyên tắc cơ bản khi thu hồi đất để một mặt đảm bảo quyền năng của cơ quan quản lý Nhà nước, trong việc điều tiết giao đất cho người lao động thực sự có nhu cầu để việc sử dụng đất thực sự có hiệu quả.
Theo ông Thảo, về các trường hợp thu hồi đất, trong Luật sửa đổi lần này phạm vi mục đích thu hồi đất quá rộng, không giới hạn cho việc thu hồi đất. Điều này gây khó khăn cho người dân đang sử dụng đất và có thể dẫn tới tình trạng ép dân để thu hồi đất. Luật cũng nên quy định các chính sách kèm theo đối với người dân bị thu hồi đất, vì càng cụ thể bao nhiêu, càng dễ thực hiện bấy nhiêu, tránh trường hợp “lách luật” dẫn tới nhiều vi phạm về đất đai như trong thời gian vừa qua.
Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, ông Thảo đề nghị có một khoản quy định về phương thức bồi thường khác nhau đối với thu hồi đất vì mục đích khác nhau. Trong đó việc thu hồi vì mục đích an ninh quốc phòng thì khác với thu hồi để kinh doanh nhà ở. “Về phương thức, thủ tục, giá cả và trình tự phải khác nhau vì mục đích, ý nghĩa của việc thu hồi khác nhau. Quy định đó sẽ hạn chế được việc lạm dụng quỹ đất để làm giàu cho doanh nghiệp kinh doanh, gây thất thoát, lãng phí đất và thiệt thòi cho người dân”- Ông Thảo nói.
Ông Thảo cũng đề nghị, về quy định cưỡng chế khi thu hồi đất, cũng chỉ nên quy định cưỡng chế trong trường hợp người bị thu hồi đất vi phạm pháp luật, để hạn chế việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lạm dụng quyền lực để cưỡng chế người dân bị thu hồi đất khi mà chính các cơ quan thu hồi đất vi phạm về chính sách, gây thiệt hại cho người dân./.