02/03/2013 7:42 AM
Đó là kiến nghị của đa số đại biểu các tỉnh, thành phố phía nam tại hội thảo đóng góp sửa đổi luật Đất đai, Nghị định 69 do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức ngày 1.3 ở TP.HCM.

Dễ xảy ra tiêu cực

Theo đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, thực tế thời gian qua giá đất nông nghiệp của người dân nhận bồi thường chưa sát giá thị trường như quy định. Trong khi đó, số tiền hỗ trợ thêm từ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp rất lớn nhưng lại không đến được tay nông dân.

Vị này dẫn ra ví dụ, tại nhiều nơi ở Đồng Nai đất nông nghiệp đã vào tay những nhà đầu tư ở TP.HCM. Nên khi triển khai bồi thường, toàn bộ số tiền hỗ trợ trên vào tay các nhà đầu tư chứ không phải nông dân. Có trường hợp một chủ doanh nghiệp mua 8 ha đất nông nghiệp, khi bị thu hồi được bồi thường 8 tỉ đồng. Mặc dù là doanh nghiệp nhưng cán bộ xã vẫn xác nhận chủ doanh nghiệp này là nông dân để được hỗ trợ thêm 4 tỉ đồng. Sau khi xác minh, tỉnh đã thu hồi tiền hỗ trợ. “Chính sách hỗ trợ hiện nay rất dễ xảy ra tiêu cực trong việc xác định các khoản hỗ trợ”, vị này cho hay.

Theo ông Hoàng Cường, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, quy định hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp là chưa cụ thể nên nhiều nơi áp dụng khác nhau, khiến hầu hết các khiếu kiện là liên quan đến khoản hỗ trợ này. Ông Cường cho rằng, nên quy định cụ thể mức hỗ trợ đất nông nghiệp ở đô thị là 5 lần, ở nông thôn là 2,5 lần để tránh phát sinh tiêu cực và địa phương dễ thực hiện.

Ngoài ra, đối với quy định bồi thường nhà hiện đang áp dụng theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, từ 2,1 - 2,6 triệu đồng/m2 trong khi giá thành xây dựng nhà cấp 4 hiện nay đã 4-5 triệu đồng/m2. Vì vậy, cần ban hành cơ chế thẩm định giá nhà để làm căn cứ bồi thường nhằm tránh thiệt thòi cho người dân.

Hầu hết các đại biểu cho rằng nên giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất các địa phương triển khai thu hồi, một giá, một chính sách, sau đó nhà nước đấu giá, lợi nhuận thu về phục vụ cho xã hội hoặc chia lại cho người dân bị thu hồi đất. Không nên có hai chính sách bồi thường giữa dự án công và dự án tư. Cần tăng tiền đền bù cho người dân thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Cần tăng tiền đền bù cho người dân
Chính sách đất đai mới sẽ hướng đến việc tăng tiền đền bù, hỗ trợ người dân bị thu hồi đất nông nghiệp - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đất vườn, ao được hỗ trợ thêm 1,5 - 5 lần

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Lê Thanh Khuyến, dự thảo sửa đổi luật Đất đai lần này có nhiều điểm mới, như thay vì chỉ có 2 điều quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất như luật Đất đai năm 2003 thì lần này có đến 19 điều. Đặc biệt, khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải bố trí tái định cư trước cho người dân. “Luật đã quy định rõ các nguyên tắc bồi thường, các khoản được bồi thường như: bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại về tài sản gắn liền với đất, thiệt hại về sản xuất, kinh doanh khi nhà nước thu hồi đất. Trường hợp diện tích đất vườn, ao bị thu hồi vượt quá 5 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương thì phần diện tích vượt quá cũng được hỗ trợ bằng tiền từ 1,5-5 lần giá đất nông nghiệp”, ông Khuyến cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết thời gian qua, rất nhiều các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo kiểu giấy tay, khi xác định bồi thường rất khó. Quy định mới buộc phải nộp tiền sử dụng đất, sang tên mới đền bù. Việc hỗ trợ sẽ tùy đối tượng, chứ không thể cào bằng như nhau.

Ông Hiển cũng thừa nhận việc quản lý nhà nước về giá đất, chính sách về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn nhiều bất cập. Bảng giá đất công bố của các địa phương chỉ bằng 30-60% so với giá thị trường. Chính vì vậy, khi được áp dụng để tính toán nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất đai đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu dùng mức giá này để tính toán giá bồi thường, người bị thu hồi đất lại không đồng ý, phát sinh khiếu kiện và ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Để hạn chế tình trạng trên, bảng giá đất nay chỉ được dùng để tính thuế, phí. Khi tiến hành bồi thường sẽ phải căn cứ vào từng loại đất đang sử dụng. “Đất đai phải điều chỉnh từng bước chứ không thể đột biến được, nếu không xã hội sẽ bất ổn ngay”, ông Hiển cho hay.

Đối với nhà đầu tư không phải cứ xin dự án là được mà họ phải có năng lực tài chính, phải ký quỹ, có dự án đã triển khai không vi phạm pháp luật. Các dự án phát triển kinh tế xã hội, có thu hồi đất hay không phải do HĐND quyết định chứ không phải là UBND. Một số loại đất lúa, đất rừng phải qua Thủ tướng tránh tình trạng một số tỉnh cắt đất tràn lan ở những khu vực nhạy cảm cho nước ngoài thuê.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển

Đình Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.