08/01/2014 3:36 PM
Một nghịch lý đáng lo ngại là trong khi nhiều nơi, nhiều thành phần kinh tế đang thiếu đất thậm chí không có đất để sản xuất và mưu sinh thì lại có tới hàng tỷ mét vuông đất đang bị sử dụng một cách lãng phí.

Vi phạm đất đai tràn lan gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

128.033 m2 đất đang bị sử dụng lãng phí là con số tổng kết diện tích đất vi phạm trên địa bàn toàn quốc vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây qua kết quả các đợt thanh tra, kiểm tra trong 3 năm vừa qua.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, sau 3 năm, tình trạng vi phạm đất đai khá phổ biến ở nhiều địa phương; tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí đất đai gây bức xúc trong dư luận.

Theo đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các địa phương đã phát hiện 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với tổng diện tích lên đến con số 128.033,131ha (tức khoảng hơn 1,28 tỷ m2).

Vi phạm phổ biến nhất là ở các đô thị và khu vực ven đô thị, điển hình như TP. HCM có 134.000 trường hợp, Hà Nội có 130.700 trường hợp, Bắc Ninh có 24.200 trường hợp, Bình Định 18.700 trường hợp và TP. Cần Thơ có 10.800 trường hợp vi phạm...

Báo cáo cũng cho thấy, lĩnh vực đất ở xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai nhiều nhất, chủ yếu dưới các hình thức: Chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, mua bán “trao tay”...

Trong suốt những năm qua, các ngành chức năng đã thu hồi đất của 819 tổ chức với diện tích 38.771ha; đang tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích 22.654ha; đang lập hồ sơ thu hồi đất của 559 tổ chức với diện tích 27.095ha; xử lý khác đối với 1.902 tổ chức với diện tích 16.516ha.

Xử lý vi phạm đã thu nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước 56,61 tỷ đồng; tiền thuê đất 9,44 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3,97 tỷ đồng; số tiền xử lý khác 2,75 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các địa phương, tại các dự án nhà ở, nhiều chủ đầu tư sai phạm dưới các hình thức: Chưa xong thủ tục về đất nhưng đã xây và bán nhà; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất; xây không đúng giấy phép hoặc quy hoạch; phân lô bán nền không đúng quy định…

Đối với đất sản xuất nông nghiệp, tồn tại chủ yếu là tình trạng tự khai hoang, phá rừng để sản xuất nông nghiệp, tập trung nhiều ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đối với đất của các tổ chức, nhiều trường hợp cho thuê, cho mượn đất trái phép để bị lấn chiếm hoặc giao đất chồng lấn lên đất của tổ chức, cá nhân khác, gây tranh chấp đất đai qua nhiều năm chậm giải quyết.

Trong đó, vi phạm nhiều nhất thuộc về các cơ quan, đơn vị sử dụng diện tích đất lớn như các nông - lâm trường, trường bắn, trường học, sân bay…

Năm 2013, toàn ngành Tài nguyên Môi trường đã tổ chức gần 1.000 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với hơn 1.400 tổ chức, cá nhân trên toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: Hệ quả như hiện nay là do một thời gian dài ở Việt Nam các đại gia xin đất rất dễ.

Chính tình trạng xin - cho dễ đó đã dẫn đến hệ quả nguồn cung dành cho nhà đầu cơ là chính chứ không phải cho người có nhu cầu thực về nhà ở.

Tuy nhiên, cũng theo ông Võ: “Cả nước vi phạm Luật đất đai, hầu hết chủ tịch UBND các tỉnh không thực hiện đúng, nhưng chẳng ai làm sao cả”.

Mặt khác, theo nhìn nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một vấn nạn nữa gây bức xúc trong dư luận là tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình cấp giấy chứng nhận; thời gian cấp giấy với nhiều trường hợp còn kéo dài.

Ngoài ra, việc minh bạch hóa các thông tin liên quan đến đất đai còn chưa được thực hiện tốt, cơ chế định giá đất còn nhiều hạn chế, tình trạng đất giá thấp thiếu cung thừa cầu, và ngược lại đất giá cao đang thiếu cầu thừa cung....

Nhằm khắc phục tình trạng trên, năm 2014 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm đề xuất trình Chính phủ phê duyệt thực hiện.

Trong đó, nổi bật một số vấn đề như: Cần đổi mới cơ chế thu, sử dụng các khoản thu từ đất theo hướng giảm mức thu khi cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với trường hợp sử dụng đất hợp pháp để khuyến khích việc đăng ký đất đai; tăng thu đối với các trường hợp vi phạm pháp luật, để bảo đảm công bằng; bổ sung, điều chỉnh các khoản thu, mức thu phí, lệ phí khi thực hiện các quyền và cung cấp thông tin đất đai.

Vĩnh Trà (BiLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.