Hiện nay, cả nước có 283 KCN, KCX được thành lập. Các KCN, KCX đã và đang đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nâng cao giá trị xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương cũng như trong cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đánh giá từ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, trong quá trình phát triển các KKT, KCN, KCX, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong thời gian qua, hoạt động của các KCN, KKT còn bộc lộ một số hạn chế. Chất lượng quy hoạch KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa tính toán toàn diện khả năng, điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng của địa phương và của vùng. Việc triển khai quy hoạch KCN đã được phê duyệt của các địa phương còn hạn chế. Việc bổ sung quy hoạch, thành lập KCN của một số địa phương còn nóng vội, chưa hội đủ các điều kiện quy hoạch và còn mang tính cục bộ; hàm lượng công nghệ trong cơ cấu đầu tư chưa cao; các địa phương và chủ đầu tư chưa thật sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ của các dự án đầu tư vào KCN. Do đó, cơ cấu đầu tư trong các KCN chưa hợp lý, tính liên kết ngành của các KCN thiếu chặt chẽ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có đến 70% đất đai tại các KCN đang bỏ hoang hoặc bị nhà đầu tư, các đại gia xí phần rồi để đó, mà không sinh lợi cho xã hội. Hiệu quả thu hút đầu tư mang lại cũng rất thấp.
Ngày 2-3-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg "Về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp". Theo đó, đã đến lúc các tỉnh, địa phương cần nhanh chóng rà soát lại các KCN, cân nhắc nhu cầu thu hút đầu tư và lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Không nên nôn nóng chạy theo phong trào mà phải dành ra một số lượng đất đai nhất định để chờ cơ hội thu hút các nhà đầu tư mới, đầu tư vào những lĩnh vực mà địa phương, vùng có lợi thế so sánh. Cần kiên quyết nói không với những dự án có thể gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường. Mặt khác, cần nhanh chóng liên kết theo cụm, nhóm có lợi thế tương đồng về tiềm năng đất đai, địa lý để bàn bạc, thỏa thuận trong thu hút đầu tư nhằm tận dụng nguồn lực tài chính, nhân lực, nhân công, chống tham nhũng, lãng phí trong quá trình đầu tư vào KCN, KKT.