TS Lê Quang Hùng: “Cái kết của nhà thầu giá rẻ thường là công trình bị kéo dài…”.
Trao đổi với Tiền Phong, TS Lê Quang Hùng, Cục
trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình Nhà nước (Bộ Xây
dựng), nói: Trước đây, nhà thầu phải có chứng chỉ hành nghề, ai muốn
làm gì phải đăng ký, nhưng từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời, chúng ta bỏ
cái này, nghĩa là ai thích làm gì cứ làm, không ai cấm.
Trong khi ở nước ngoài, một số hoạt động nghề nghiệp
mang tính đặc thù như hoạt động xây dựng phải được thẩm định và cho
phép, không có chuyện ai làm gì thì làm.
Rõ ràng, chúng ta phải xem xét lại cơ chế chính sách,
xem lại việc thẩm định ban đầu. Mặc dù không hạn chế sự phát triển của
doanh nghiệp nhưng đối với những hoạt động chuyên môn đặc thù, phải có
thẩm định để rồi họ có thể tham gia, chí ít cũng phải công khai thông
tin khi hành nghề nhà thầu.
Vậy, sẽ quản lý nhà thầu theo hướng nào?
Bộ Xây dựng đang nghiên cứu dự thảo Nghị định quản lý
công trình xây dựng, tập trung vào các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn
xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.
Đăng tải thông tin của các nhà thầu, đánh giá năng lực
của các nhà thầu, quy định bắt buộc thẩm tra thiết kế đối với một số
loại công trình, tăng cường kiểm tra thiết kế của người quyết định đầu
tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn vấn đề kiểm soát năng lực nhà thầu thì sao?
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định về đăng tải thông tin và đánh giá năng lực của các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng.
Đây là hình thức mới nhằm quản lý được năng lực của các
chủ thể, một trong những điều kiện tiên quyết để công trình có chất
lượng tốt. Tiến tới sẽ đưa hoạt động xây dựng là hoạt động kinh doanh có
điều kiện.
Theo ông, việc chọn thầu giá rẻ có dẫn tới chất lượng công trình xây dựng thấp, thi công mất an toàn?
Một trong những vấn đề được cho là ảnh hưởng nghiêm
trọng nhất đến chất lượng công trình xây dựng hiện nay là công tác quản
lý dự án và bẫy thầu giá rẻ.
Nhìn vào bài toán kinh tế, việc chọn nhà thầu giá rẻ
tưởng có lợi, nhưng những vấn đề phát sinh sau đó biến giá rẻ thành giá
đắt.
Cái kết của thầu giá rẻ thường là công trình bị kéo dài dây dưa, nhà thầu thiếu năng lực tài chính cũng như chuyên môn.
Hậu quả là dự án đội vốn lên vài lần. Ở một số dự án,
chủ đầu tư buộc phải cho đấu thầu lại từ đầu để chọn những nhà thầu mới,
mất thời gian nhưng dự án không phát huy được tác dụng.
Ngoài ra, hiện tượng bán thầu cũng rất đáng lo ngại.
Luật Hình sự có quy định tội danh bán thầu, nhưng trong hoạt động xây
dựng lại có thầu chính, thầu phụ và thậm chí thầu phụ nhiều bậc nên khó
rạch ròi để có thể chỉ ra bán thầu.
Cảm ơn ông.
Theo Bộ Xây dựng, 5 năm
qua, mỗi năm có khoảng 6.000 dự án đầu tư xây dựng được triển khai. Tỷ
lệ các dự án nhóm A khoảng 5% công trình, nhóm B hơn 20%, nhóm C trên
75%. Hiện có trên 1.000 nhà thầu tư vấn, thiết
kế và hơn 6.000 nhà thầu xây dựng. Tuy nhiên, chưa có tổ chức chuyên
trách thẩm định năng lực của các nhà thầu. Theo TS Lê Quang Hùng,
trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 40-50 sự cố như sập đổ giàn giáo, cháy
nổ, không tuân thủ an toàn lao động tại các dự án đầu tư, công trình. Sự cố trên các công trường xây dựng ở Việt Nam chiếm từ 0,3 - 0,4% số lượng công trình. Thiệt hại về người do tai nạn trên công trường xây dựng hằng năm từ 250 đến 300 người. |