Công trình phải phù hợp quy hoạch mới được áp dụng hình thức nộp tiền phạt thay vì bị buộc tháo dỡ phần xây dựng không phép, sai phép.

Bộ Xây dựng vừa có dự thảo thông tư hướng dẫn về cách tính số tiền phải nộp với những công trình xây dựng không phép, sai phép, đáp ứng điều kiện được đóng phạt thay cho tháo dỡ quy định tại Nghị định 121/2013. Nhiều ý kiến đề nghị phải áp dụng khung cao nhất để tính tiền phạt nếu có nhiều mức giá khác nhau.

Cho áp dụng hồi tố

Theo dự thảo, đối với nhà ở riêng lẻ, giá trị phần diện tích không phép, sai phép được tính bằng số mét vuông vi phạm nhân với giá trị 1 m2 nhà do UBND tỉnh quy định, tương ứng với cấp nhà tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt.

Công trình xây dựng không phép, sai phép được chia làm hai trường hợp: Nếu công trình có mục đích kinh doanh thì giá trị phần vi phạm tính bằng số mét vuông vi phạm nhân với giá 1 m2 tại hợp đồng mua bán đã ký. Trường hợp công trình không có mục đích kinh doanh, cách tính là lấy diện tích vi phạm nhân với giá tiền 1 m2 theo dự toán được duyệt.



Nhà xây trái phép, sai phép phù hợp với quy hoạch mới được nộp tiền phạt để tồn tại. Ảnh: HTD

Dự thảo cho phép áp dụng hồi tố các trường hợp đáp ứng được những điều kiện quy định tại Nghị định 121. Theo đó, người có thẩm quyền xem xét hủy quyết định cưỡng chế tháo dỡ, thay thế bằng biện pháp xử phạt bằng tiền theo quy định như trên.

Áp khung tối đa để răn đe

Góp ý dự thảo, ông Nguyễn Như Hồng, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận Phú Nhuận, cho rằng quy định cho công trình mang tính chất kinh doanh còn nhiều lấn cấn. “Một dự án thường có nhiều giá bán khác nhau phụ thuộc theo số tầng, hướng nhà… Thậm chí có lúc đối tượng mua nhà khác nhau thì giá bán cũng khác nhau. Vậy sẽ căn cứ vào giá bán của hợp đồng mua bán nào?” - ông phân tích.

Cũng theo ông Hồng, có những phần diện tích vi phạm không nằm trong hạng mục kinh doanh như tầng kỹ thuật, sân thượng… hoặc công trình có mục đích kinh doanh nhưng không phải là mua, bán mà cho thuê làm dịch vụ như văn phòng, khách sạn. Khi đó, căn cứ vào đâu để tính giá trị vi phạm?

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, cần phải áp dụng giá bán theo hợp đồng mua bán tại thời điểm xảy ra vi phạm hoặc thời điểm gần nhất và căn cứ vào giá bán cao nhất. “Phải nhớ rằng đây là hành vi cố ý vi phạm, lẽ ra phải bị tháo dỡ. Để tránh lãng phí, công trình không bị nham nhở thì chủ đầu tư được nộp tiền phạt nhưng phải ở mức cao nhất, xem như hình thức sung công” - ông nêu ý kiến.

Ông Đực đề nghị mọi vi phạm tại công trình kinh doanh đều phải tính theo giá bán 1 m2 cao nhất, bởi mọi hạng mục, kể cả khu vực không kinh doanh đều phục vụ cho công trình. Với những công trình cho thuê, ông đề xuất quy đổi ra giá trị thương mại tương đương của 1 m2 để tính ra số tiền phải nộp.

“Chỉ áp dụng hình thức nộp tiền phạt trong chừng mực là công trình phải phù hợp quy hoạch. Nếu vượt qua ranh giới quy hoạch thì không thể cho nộp tiền hay để tồn tại vì bất cứ lý do gì” - ông Đực nhấn mạnh.

Theo Nghị định 121, số tiền nộp phạt “chuộc vi phạm” để không bị tháo dỡ được tính bằng 40% giá trị diện tích vi phạm, với công trình xây dựng thì tỉ lệ này là 50%. Việc nộp tiền phạt chỉ được áp dụng cho công trình thỏa mãn các điều kiện: Không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng.
Cẩm Tú (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.