Việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên thực tế mới thực hiện được khoảng 40%; nhiều vi phạm cho thuê, liên doanh, liên kết, sử dụng không đúng mục đích chưa được xử lý dứt điểm.

Đó là nhận định được Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP đưa ra sau đợt giám sát vừa được triển khai về tình hình, kết quả thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty Nhà nước của TP.

Nhiều hình thức vi phạm

Theo báo cáo tổng kết, sau 7 năm thực hiện Quyết định số 09, tính đến hết tháng 6/2014, các đơn vị đã có phương án xử lý 10.633 cơ sở nhà, đất với diện tích hơn 9,4 triệu mét vuông nhà, khoảng 3.513ha đất. Ban Chỉ đạo 09 TP đã thông qua phương án xử lý điều chuyển 55 cơ sở, thu hồi 84 cơ sở, chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch 42 cơ sở, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 248 cơ sở... Tính đến hết ngày 30/6, số tiền thu được từ bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi sắp xếp lại, xử lý khoảng 4.327 tỷ đồng.

Một phần khu đất tại số 3 Tăng Bạt Hổ gần 10 năm nay cho thuê sai quy định pháp luật. Ảnh: Công Hùng

Một phần khu đất tại số 3 Tăng Bạt Hổ gần 10 năm nay cho thuê sai quy định pháp luật. Ảnh: Công Hùng

Tuy nhiên, kết quả này vẫn được đánh giá chưa đạt yêu cầu. Dù có tới 95% khối lượng cơ sở nhà, đất đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhưng trên thực tế việc tổ chức thực hiện của các đơn vị diễn ra rất chậm, mới đạt khoảng 40%. Đáng lo ngại, sự chậm trễ này đã và đang tạo ra hàng loạt sai phạm lấn chiếm, vi phạm đất công. Điển hình, tại Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội, đơn vị được giao quản lý 1.075 cơ sở nhà đất với gần 189.000m2 nhà và 16,6ha đất thì có đến 152 điểm bị sử dụng sai mục đích. Cụ thể, có 46 điểm sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng, cho thuê lại; 89 điểm chuyển ở một phần hoặc toàn bộ; 17 điểm nợ đọng tiền thuê nhà, đất… Nghiêm trọng hơn, công ty này còn tự ý bố trí cho 14 DN được sử dụng hơn 4.000m2 tại quỹ nhà kinh doanh dịch vụ khu chung cư tái định cư khi chưa được cấp có thẩm quyền nào cho phép.

Tại các đơn vị khác, kết quả giám sát cũng cho thấy, nhiều vi phạm như, một số đơn vị sự nghiệp (thuộc Sở VHTT&DL) tự ý cho thuê diện tích kinh doanh, trong số đó một số đã bị các hộ dân tự ý lấn chiếm sử dụng làm nhà ở đến nay vẫn chưa di dời được. Tại Cung Thanh niên, đơn vị trực thuộc Thành đoàn Hà Nội, một phần diện tích tại số 3 Tăng Bạt Hổ gần chục năm nay đã được cho thuê làm nhà hàng nhưng không được xem xét, xử lý theo quy định.

Ở một số công ty con thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, cũng có 4 điểm bị chiếm dụng, tranh chấp tại các vị trí đắc địa, có giá trị lớn tại khu vực 4 quận nội thành cũ. Thậm chí, có trường hợp cho thuê đi, thuê lại, đến khi DN đóng cửa đã gây thất thoát nhiều tỷ đồng.

Tác động từ rào cản tâm lý về lợi ích

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách đánh giá nguyên nhân quan trọng chính là có sự buông lỏng quản lý trong một thời gian dài của cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng trực tiếp, dẫn đến nhiều cơ sở nhà, đất cho thuê bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép; mất hồ sơ giấy tờ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, không thu hồi được hoặc không làm được thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cùng với đó, các thành viên đoàn giám sát cũng cho rằng, rào cản tâm lý về lợi ích có tác động đến đơn vị kê khai, lập phương án sắp xếp lại, nhất là đối với đơn vị có cơ sở bị điều chuyển, thu hồi, làm ảnh hưởng đến tiến độ kê khai, lập và thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất. Chính Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Doãn Toản cũng cho biết: Còn có tình trạng đối phó chậm kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, không cung cấp hồ sơ pháp lý gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong khi thực hiện. Mặt khác, có nguyên nhân do chất lượng của một số phương án sắp xếp chưa cao, nội dung thiếu khả thi nên không đủ điều kiện thực hiện. Việc quy hoạch TP có nhiều thay đổi, nhất là sau khi có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cũng đã tác động đến tiến độ triển khai.

Theo kế hoạch, việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP phải hoàn thành trước ngày 30/6/2015. Thời gian không còn nhiều, vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ kiểm tra, thẩm định phương án sắp xếp, xử lý cũng như rà soát, đánh giá tổng thể kết quả các phương án đã được phê duyệt. Đã đến lúc, TP cần có chế tài xử lý nghiêm (xử lý vi phạm hành chính, xử lý trách nhiệm người đứng đầu) đối với các cơ sở cố tình chây ỳ không thực hiện, công bố công khai tên, địa chỉ các đơn vị chậm triển khai.

Hà Bình (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.