Người dân muốn nhập hộ khẩu vào TPHCM và TP Hà Nội phải hội đủ 2 điều kiện: đã đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên và bảo đảm diện tích tối thiểu là 5m² sàn nhà/người.

Đó là một trong những điểm "mới" của Nghị định 56/2010/NĐ-CP ngày 24-5-2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 10-7-2010.

Nghị định ban hành nhằm điều chỉnh một số nội dung liên quan đến điều kiện về nơi cư trú của người dân; điều kiện người dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.

Mặc dù Nghị định 56 có hiệu lực thi hành từ ngày 10-7, song để thực hiện phải chờ ....thông tư hướng dẫn.

Theo lãnh đạo một số công an quận huyện của TPHCM, Nghị định 56 có 2 điểm cơ bản được thay đổi so với Nghị định 107. Về điều kiện nơi cư trú của người dân, theo quy định cũ không bắt buộc phải có diện tích sàn tối thiểu cho các trường hợp chỗ ở cho thuê, mượn hoặc ở nhờ. Quy định này sau một thời gian thực hiện đã gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc quản lý nhân khẩu do tình trạng bảo lãnh nhập hộ khẩu tràn lan (có gia đình bảo lãnh cho cả trăm người vào ở trong căn nhà chỉ có diện tích vài chục m²), ở nhờ, ở thuê nhiều địa chỉ, nhiều địa phương khác nhau...

Nay quy định mới của Nghị định 56 chỉ áp dụng đối với những người có quan hệ trực hệ với chủ nhà (con, cháu, vợ chồng) mới không bắt buộc phải áp dụng diện tích sàn tối thiểu. Còn lại, người dân nào muốn nhập hộ khẩu vào TPHCM và TP Hà Nội phải hội đủ 2 điều kiện: đã đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên và bảo đảm diện tích tối thiểu là 5m² sàn nhà/người.

Một thay đổi khác về điều kiện người dân tạm trú, quy định cũ cho phép người dân có chỗ ở hợp pháp đến đăng ký tạm trú tại TPHCM được cộng dồn thời gian đăng ký tạm trú ở nhiều quận huyện khác nhau, miễn là đủ 1 năm trở lên đều được xét cấp hộ khẩu.

Quy định này còn có một điểm khá “thoáng” là người dân được quyền chọn bất kỳ nơi đã đăng ký tạm trú để nhập hộ khẩu. Từ đó đã nảy sinh nhiều phức tạp, gây khó khăn trong quản lý như: một người đăng ký tạm trú ở nhiều địa phương, đăng ký tạm trú nhưng không cư trú, công an xác nhận khống để nhập hộ khẩu cho người dân không đăng ký tạm trú… Nghị định 56 bắt buộc người dân đăng ký tạm trú liên tục tại chỗ ở cố định ở một quận huyện nào đó từ 1 năm trở lên mới đủ điều kiện để được nhập hộ khẩu.

Một điều kiện phụ khác được quy định trong Nghị định 56 là không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới thuộc các trường hợp: chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép; chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật; chỗ ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo lãnh đạo công an một số quận huyện, mặc dù Nghị định 56 có hiệu lực thi hành từ ngày 10-7, song để thực hiện phải có thông tư hướng dẫn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trong một số trường hợp cụ thể, công an các quận huyện được vận dụng theo Nghị định 56 để giải quyết.

Đây là chủ trương của lãnh đạo Công an TPHCM khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ nhập hộ khẩu cho người dân.

Nhiều quận huyện đã vận dụng các bước giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết từ 15 ngày xuống còn 7 - 10 ngày, thậm chí có nơi như tại Công an quận Tân Bình là 3 - 5 ngày để hoàn tất một hồ sơ xin nhập hộ khẩu.

Cafeland.vn - Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland