18/09/2013 9:45 PM
Từ một khu đất đã được quy hoạch làm công trình văn hóa, UBND tỉnh Bạc Liêu thay đổi quy hoạch, giao đất cho doanh nghiệp rồi sau đó mua lại mảnh đất này để làm... công trình văn hóa

ầu tháng 9-2013, nhiều người dân tại tỉnh Bạc Liêu bất ngờ về việc UBND tỉnh này xuất 22,5 tỉ đồng từ ngân sách mua lại một khu đất của Công ty CP Địa ốc Bạc Liêu để làm công trình phục vụ Festival Đờn ca tài tử 2014. Oái oăm thay, khu đất trên trước đây đã được chính UBND tỉnh giao cho Công ty CP Địa ốc Bạc Liêu.

Mua đất... của mình

Theo quy hoạch, khu dân cư đô thị Nam vành đai TP Bạc Liêu có khu đất được quy hoạch làm công trình văn hóa với diện tích 15.310 m2 (Quyết định 222/QĐ-UB, ngày 22-3-2004 của UBND tỉnh Bạc Liêu). UBND tỉnh Bạc Liêu giao phần đất trên cho nhà đầu tư là Công ty CP Địa ốc Bạc Liêu với hình thức giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất.
Những công trình dang dở này (tài sản trên đất) đã được UBND tỉnh Bạc Liêu mua lại với giá 4,5 tỉ đồng

Đến ngày 8-6-2005, UBND tỉnh Bạc Liêu lại ban hành Quyết định 49/QĐ-CT điều chỉnh quy hoạch khu đất trên thành đất thương mại. Tại quyết định này, UBND tỉnh nêu rõ những hạn chế về quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư: “Đối với diện tích đất cơ sở giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn hóa thông tin, khu thương mại, nhà nước sẽ thu hồi để giao đất cho các đơn vị sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt”.

Như vậy, đối với khu thương mại nói trên, nhà đầu tư chỉ có trách nhiệm xây dựng chứ không được giao quyền sử dụng đất và công trình trên đất. Thế nhưng mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu lại có kế hoạch xuất 22,5 tỉ đồng để mua lại khu đất trên từ Công ty CP Địa ốc Bạc Liêu để xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm tỉnh Bạc Liêu, phục vụ Festival Đờn ca tài tử Bạc Liêu 2014 và những festival sau này. Hình thức là thu hồi đất có bồi thường giá trị đất là 18 tỉ đồng và tài sản trên đất là 4,5 tỉ đồng. Ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Bạc Liêu, cho biết ông đã được cấp quyền sử dụng đất đối với phần đất nói trên vào ngày 29-6-2006 với hình thức cấp đất có thu tiền sử dụng đất. Khi chúng tôi đưa ra các quyết định của UBND tỉnh thể hiện việc giao đất này không thu tiền sử dụng đất thì ông Luận cho rằng: “Tôi cũng không biết nhưng khi hồ sơ chuyển đến cơ quan thuế thì nơi đây buộc phải nộp tiền sử dụng đất với lý do đất có kinh doanh”.

Quyết định khó hiểu

Xót xa trước số tiền hơn 22 tỉ đồng của ngân sách sắp mất oan chỉ sau 7 năm quy hoạch vòng vèo, nhiều cán bộ hưu trí ở TP Bạc Liêu đặt vấn đề vì sao UBND tỉnh lấy đất công cấp cho doanh nghiệp rồi bây giờ phải bỏ tiền ra mua lại.

Ông Bùi Mạnh Kiên, cán bộ hưu trí phường 7, TP Bạc Liêu, trăn trở: “Tỉnh Bạc Liêu còn hàng ngàn hộ dân đang sống hết sức khó khăn trong rừng phòng hộ nên khi nghe tin tỉnh chi hàng chục tỉ đồng để mua đất làm công trình phục vụ festival và mảnh đất này trước đây là đất công, lãng phí quá”.

Tại buổi họp báo ngày 10-9, bà Cao Xuân Thu Vân, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu, khẳng định việc thu hồi có bồi thường khu đất trên là đúng quy trình. Việc làm này xuất phát từ chỉ đạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu và còn được giải thích là có lợi về nhiều mặt. Cụ thể là mua đất để tạo điều kiện cho Công ty CP Địa ốc Bạc Liêu trả nợ thuế 12 tỉ đồng vì công ty này không có khả năng trả nợ thuế. Mặt khác, tỉnh cũng có đất để xây dựng khu hội chợ triển lãm phục vụ Festival Đờn ca tài tử năm 2014.

Những cái lợi mà người phát ngôn của UBND tỉnh Bạc Liêu nói chưa thấy đâu nhưng trước mắt đã thấy ngân sách bị mất oan hàng chục tỉ đồng.
Nhà đầu tư lãi to

Theo Công ty CP Địa ốc Bạc Liêu, năm 2006, đơn vị này đã nộp hơn 1,5 tỉ đồng để được cấp chủ quyền đối với khu đất được quy hoạch làm công trình văn hóa rộng 15.310 m2. Sổ chủ quyền đã được công ty thế chấp qua 2 ngân hàng và nay được nhà nước thu hồi, bồi thường 18 tỉ đồng. Còn những công trình trên đất chỉ là một siêu thị xây dựng dở dang nhưng tỉnh cũng phải mua lại với giá 4,5 tỉ đồng. Từ khi được giao đất, công ty thi công ì ạch, chưa đưa vào sử dụng được hạng mục nào, nay dễ dàng kiếm lãi to từ bầu sữa ngân sách.

Duy Nhân (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.