Đô thị Hà Tĩnh sẽ phát triển ra sao?
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho tỉnh trong thời gian tới.
Mục tiêu phát triển xác định xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 9%/năm. Cơ cấu kinh tế với nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%.
Quy hoạch cũng đã xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển cho tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Cụ thể, bốn ngành trọng điểm của tỉnh là công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Tỉnh Hà Tĩnh sẽ có ba trung tâm đô thị gồm trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trung tâm đô thị phía Bắc; trung tâm đô thị phía Nam.
Trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh, gồm thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà.
Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.
Hà Tĩnh có ba hành lang kinh tế gồm, hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển; hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.
Một trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Đến năm 2030, Hà Tĩnh sẽ có 2 đô thị loại II (thành phố Hà Tĩnh và thành phố Kỳ Anh), 02 đô thị loại III, 12 đô thị loại IV và các đô thị loại V.
Không gian phát triển đô thị được phân theo 3 trục chính.
Trong đó, chuỗi đô thị dọc theo quốc lộ 1 và đường ven biển gồm các đô thị hạt nhân là thành phố Hà Tĩnh, thành phố Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Xuân An, thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân và vùng phụ cận; nghiên cứu mở rộng không gian đô thị và địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh để đảm bảo điều kiện phát triển thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ.
Chuỗi đô thị dọc theo Quốc lộ 8 gồm các đô thị động lực Nước Sốt, Tây Sơn, Phố Châu, Nầm, Đức Thọ, Lạc Thiện, Tam Đồng, Hồng Lĩnh, Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân; thị xã Hồng Lĩnh là đô thị hạt nhân, gắn với thị trấn Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân và vùng phụ cận để trở thành thành phố phía Bắc của tỉnh sau năm 2030.
Và chuỗi đô thị dọc đường Hồ Chí Minh gồm Phố Châu, Vũ Quang, Phúc Đồng, Hương Khê, Hương Trà, La Khê, Tây Sơn.
Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát triển khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sớm hình thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh; nghiên cứu mở rộng quy mô diện tích, phạm vi ranh giới khu kinh tế Vũng Áng để đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững.
Tỉnh cũng phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Tây của tỉnh, trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Địa phương này cũng bố trí các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các vị trí kết nối giao thông thuận lợi, đảm bảo các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, các dịch vụ phục vụ người lao động,...
Ngoài các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh cũng quy hoạch 5 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.287 ha và 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích đến năm 2030 khoảng 1.892ha.
Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh sẽ phát triển các trung tâm thương mại tại khu vực đô thị, trị trấn, trung tâm xã, trên cơ sở đảm bảo phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn; phát triển các khu du lịch biển dọc theo đường ven biển; các khu du lịch sinh thái gắn với suối nước nóng Sơn Kim, Vườn quốc gia Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ, thác Vũ Môn, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh; du lịch văn hóa, lịch sử gắn với Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích...
Ngoài ra, tỉnh còn phát triển dịch vụ logistics tại khu kinh tế Vũng Áng, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thị trấn Đức Thọ và tại các đô thị đầu mối; phát triển các sân gôn, khu thể thao gắn với du lịch nghỉ dưỡng và đô thị tại các vị trí phù hợp trên cơ sở đảm bảo các quy định hiện hành.
Hé lộ quỹ đất phát triển mới
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đất đai chính là một trong số những nguồn lực cực kỳ quan trọng.
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, diện tích đất nông nghiệp tại Hà Tĩnh sẽ được điều chỉnh giảm từ 498.956 ha (năm 2020) xuống còn 486.380 ha (năm 2030).
Diện tích đất phi nông nghiệp được điều chỉnh tăng mạnh từ 88.036 ha (năm 2020) lên 109.317 ha (năm 2030). Đồng thời, diện tích đất chưa sử dụng được điều chỉnh giảm mạnh từ 12.453 ha (năm 2020) xuống còn 3.748 ha (năm 2030).
Trong diện tích đất phi nông nghiệp được điều chỉnh nêu trên, diện tích đất khu công nghiệp tăng mạnh từ 2.785,8 ha (năm 2020) lên 6.025 ha (năm 2030), tăng 3.239,2 ha. Diện tích đất cụm công nghiệp được điều chỉnh tăng từ 241,65 ha (năm 2020) lên 1.891,83 (năm 2030), tăng 1.650ha.
Diện tích đất thương mại, dịch vụ được điều chỉnh tăng mạnh từ 642ha (năm 2020) lên 4.223 ha (năm 2030), tăng 3.581,18 ha. Diện tích đất ở tại nông thôn được điều chỉnh tăng mạnh từ 10.754,46 ha (năm 2020) lên 13.919,95 ha (năm 2030), tăng 3.165,49 ha. Diện tích đất ở tại đô thị được điều chỉnh tăng mạnh từ 2.488,36 ha (năm 2020) lên 4.270,12 ha (năm 2030), tăng 1.781,76 ha.
Thời kỳ 2021 – 2030, tỉnh Hà Tĩnh sẽ thực hiện thu hồi khoảng 28.559 ha. Trong đó khoảng 26.593 ha đất nông nghiệp và khoảng 1.967 ha đất phi nông nghiệp.
Song song với đó là thực hiện chuyển mục đích sử dụng khoảng 27.723 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Đồng thời, đưa khoảng 8.335 ha đất chưa sử dụng vào sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đất nông nghiệp với khoảng 4.636 ha và đất phi nông nghiệp khoảng 3.699 ha.
Cơ hội nào cho bất động sản?
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, trong giai đoạn sắp tới, Hà Tĩnh sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư 13 dự án đô thị, du lịch, thể thao gồm, dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó có kinh doanh đặt cược tại Xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân; Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam tại Huyện Nghi Xuân; Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và sân gôn Kỳ Nam tại thị xã Kỳ Anh.
Dự án Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và sân gôn tại thị trấn Thiên Cầm tại huyện Cẩm Xuyên; Khu đô thị nghỉ dưỡng và sân gôn tại Cẩm Dương tại huyện Cẩm Xuyên; Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và thể thao tại TP. Hà Tĩnh tại thành phố Hà Tĩnh; Tổ hợp dự án nghỉ dưỡng, sân gôn quốc tế Thịnh Lộc tại huyện Lộc Hà.
Bên cạnh đó còn có dự án Bảo tàng biển tại xã Lộc Hà, huyện Nghi Xuân; Tổ hợp dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Văn Trị tại huyện Thạch Hà; Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao Kỳ Ninh tại thị xã Kỳ Anh; Khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam của huyện Thạch Hà tại huyện Thạch Hà; Khu đô thị mới Hàm Nghi tại thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà; Khu đô thị Nam Cầu Phủ tại thành phố Hà Tĩnh.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025.
Theo kế hoạch điều chỉnh vừa được phê duyệt, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 29,68 m2/người. Trong đó Khu vực đô thị đạt 32,00 m2/người và khu vực nông thôn đạt 28,76 m2/người.
Giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm là 5,8 triệu m2 sàn, trung bình mỗi năm phát triển thêm 1,2 triệu m2 sàn.
Trong đó, nhà ở thương mại với 1 triệu m2 sàn; nhà ở xã hội với 133.940 m2 sàn; nhà ở tái định cư với 70.000 m2 sàn; nhà ở riêng lẻ người dân tự xây với 4,6 triệu m2 sàn.
Cũng trong giai đoạn này, Hà Tĩnh cần nguồn vốn khoảng 39.185 tỉ đồng và 11.615 ha đất cho phát triển nhà ở.
Cũng theo quyết định nêu trên, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện đang triển khai nhiều dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư.
Trong đó, thành phố Hà Tĩnh đang triển khai 17 dự án; thị xã Hồng Lĩnh có 4 dự án; thị xã Kỳ Anh với 15 dự án; huyện Can Lộc có 5 dự án; huyện Cẩm Xuyên có 3 dự án; huyện Nghi Xuân có 12 dự án;…
-
Điểm tên những dự án bất động sản sẽ được Hà Tĩnh ưu tiên kêu gọi đầu tư trong thời gian tới
Trong quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, đã xác định hàng loạt dự án bất động sản sẽ được Hà Tĩnh ưu tiên kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.
-
Thành phố Hà Tĩnh đề xuất lập quy hoạch chi tiết khu vực hồ điều hòa Nhật Tân hơn 31 ha
UBND thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vừa có Tờ trình số 05/TTr-UBND về việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát địa hình và lập Quy hoạch chi tiết khu vực hồ điều hòa Nhật Tân, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, tỷ lệ 1/500....
-
Hà Tĩnh sắp có thêm khu công nghiệp mới quy mô 200 ha
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp phía Tây thành phố Hà Tĩnh.
-
Hà Tĩnh trình Chính phủ siêu dự án điện khí quy mô 60.000 tỷ tại Khu kinh tế Vũng Áng
Dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG Vũng Áng III, tại tỉnh Hà Tĩnh có quy mô công suất giai đoạn trước năm 2030 là 1.500 MW và giai đoạn sau năm 2030 là 3.000 MW, tổng vốn đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng.