Không riêng TP.HCM, đến hẹn lại lên, cứ vào mùa mưa, nhiều TP lại biến thành sông. Có vẻ như khi mức độ đô thị hóa ít thì ngập ít; đô thị hóa nhiều, ngập nhiều. Các cơ quan chức năng cho rằng với tiến trình đô thị hóa trong điều kiện hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, quá tải… thì ngập lụt là hệ lụy tất yếu phải xảy ra! Thế nhưng ngập lụt vẫn xảy ra tại các khu đô thị mới và tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn như thách thức các dự án chống ngập của chính quyền. Lý giải sao về việc này?
Trong quy hoạch đô thị, mảng xanh và mặt nước là yếu tố sống còn. Mảng xanh là “lá phổi”; mặt nước với hệ thống kênh rạch như các mạch máu chi chít trong khắp “cơ thể đô thị” góp phần điều tiết và tiêu thoát nước một cách tự nhiên, hiệu quả. Thế mà nhiều nơi đang đánh đổi những yếu tố vô giá trên với những giá trị cụ thể là các dự án đầu tư hoành tráng. Nhiều nơi sẵn sàng và ồ ạt san lấp kênh, phân lô bán nền… để vo tròn những con số GDP tăng trưởng trong khi con số ấy sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi môi trường sống ngày càng xấu đi. “Không ai có thể hạnh phúc khi ngồi trên một núi tiền trong tình trạng sức khỏe tồi tệ” là lời cảnh báo nghiêm túc về việc này.
Mảng xanh và mặt nước là hai yếu tố quan trọng khi quy hoạch các khu đô thị mới. Trong ảnh: Một góc khu Nam Sài gòn đang dần đô thị hóa. Ảnh: HTD
Còn nhớ tại hội thảo kiến trúc quốc tế kỷ niệm đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội, nhiều kiến trúc sư tâm huyết đến từ nhiều quốc gia bày tỏ sự bức xúc và trình bày tâm huyết của mình về quy hoạch, kiến trúc… của thủ đô nhưng tiếc thay hội thảo chỉ là nơi để người trong nghề nói với nhau. Những hội thảo tương tự về quy hoạch đô thị vẫn không ngừng diễn ra ở nhiều nơi và đó vẫn chỉ là “sân chơi” của những người làm nghề tâm huyết. Sự hiện diện nếu có của chính quyền địa phương, của cán bộ có trách nhiệm về quản lý quy hoạch đô thị đôi khi chỉ để cho “đủ mâm đủ bát”. Rời hội thảo về với cương vị của mình, những người có trách nhiệm quản lý đã đứng về ai trong công tác điều hành quản lý đô thị? Chỉ biết rằng đúng như nhận định của TS Mike Douglass (ĐH Hawaii, Mỹ), người gắn bó nhiều năm với quy hoạch đô thị ở châu Á, trong buổi nói chuyện về quy hoạch tại Hà Nội rằng các tập đoàn xây dựng đang dẫn dắt quy hoạch của chúng ta trong khi lẽ ra đó phải là nhà nước và người dân. Thực trạng này giải thích tại sao mảng xanh và mặt nước đang ngày càng thu hẹp.
Khi phê duyệt một dự án, thay vì dựa trên nguyên tắc làm giàu thêm mảng xanh và mặt nước, không ít cơ quan chức năng “săm soi” theo hướng làm thế nào để “đảm bảo chỉ tiêu” của hai mảng này. Phía nhà đầu tư thì bao giờ cũng mong muốn tận dụng hết mọi khoảng trống có thể (!).
Ngập lụt sẽ còn triền miên, các dự án chống ngập sẽ khó phát huy hiệu quả, con số GDP dù liên tục tăng trưởng song vẫn sẽ không thể mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của người dân nếu tư duy quy hoạch theo kiểu “lấp đầy khoảng trống” còn tồn tại.