Các dự án triển khai ở Đống Đa hàng năm chỉ chừng 20 đến 30 trường hợp, nhưng điều đặc biệt là phần lớn trong số đó tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là mở đường qua những khu vực người dân đang sinh sống ổn định. Mặt trái của việc này là khi các công trình được mọc lên, nếu việc quản lý về quy hoạch, xây dựng không tốt, dễ dẫn tới sự tồn tại của những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Điều này đã được thể hiện rất rõ tại các đường mới ở ngõ 19, 47 phố Cát Linh (phường Quốc Tử Giám). Một cán bộ của UBND quận Đống Đa đã khẳng định chắc nịch: Nếu các anh muốn tìm hiểu rõ tình hình trên địa bàn Quốc Tử Giám thì cứ tới phố An Trạch, ở đó có tới gần hai chục ngôi nhà dạng kiểu này, nhưng chưa hề bị xử lý!
Theo lời tư vấn này, chúng tôi đã “mục sở thị” tại con phố mới được hình thành có chiều dài chưa đầy 600m còn tới 12 trường hợp diện tích còn lại sau thu hồi cao nhất 12m2 và đã được xây 2 đến 4 tầng. Đây là một thực trạng đáng ngạc nhiên bởi từ ngày 2-10-2008, tại công văn số 637, Sở TN–MT đã hướng dẫn UBND quận Đống Đa, nêu rõ: “Nếu diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng. Nếu phần diện tích còn lại từ 15m2 đến nhỏ hơn 40m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được xây dựng không quá 2 tầng”.
Vấn đề này đã trở nên nóng hơn khi người dân có đơn thư kiến nghị về việc các hộ gia đình được giải phóng mặt bằng và nhận nhà tái định cư đã trở lại sử dụng đất siêu mỏng, siêu méo, có dấu hiệu lấn chiếm đất công. Theo báo cáo cáo ngày 2-8-2010 của UBND phường Quốc Tử Giám thì đó là các hộ: Ông Nguyễn Văn Thành (Tổ 33, diện tích còn lại là 1,35m2), bà Hoa Thị Hằng (Tổ 33, diện tích còn lại là 1,86m2), hiện trạng sau GPMB chỉ là đất trống. UBND quận Đống Đa đã có văn bản số 789 ngày 2-10-2010 chỉ đạo cụ thể đối với những trường hợp này cũng như các hộ có diện tích đất còn lại dưới 15m2 không đủ điều kiện để xây dựng: UBND phường Quốc Tử Giám lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo đề xuất xử lý giải quyết dứt diểm tình trạng vi phạm nhà “siêu mỏng”, Ban QLDA, UBND phường lập hồ sơ trình UBND quận ra quyết định thu hồi phần diện tích nhỏ lẻ còn tồn tại. Cụ thể hơn, ngày 15-9-2011 UBND quận Đống Đa lại có văn bản số 4467 giao cho UBND phường Quốc Tử Giám làm chủ đầu tư, thực hiện nhiệm vụ xử lý các trường hợp đất, nhà không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại trong năm 2011.
Tuy nhiên, khi nhóm PV chúng tôi có mặt thì mọi việc vẫn đang “án binh bất động”, đặc biệt là hai trường hợp sử dụng đất “siêu mỏng, siêu méo” điển hình nhất như trên chúng tôi đã đề cập. Tại các địa chỉ số 15/19 và 17/19 Cát Linh đã được xây các trụ sắt, quấn dây thép gai lấn chiếm vỉa hè, thông nối với diện tích ngõ phía sau tạo thành một công trình có diện tích khoảng chừng 10m2. Đặc biệt việc lấn chiếm vỉa hè đã được đội TTGT quận Đống Đa phát hiện và báo cáo UBND quận Đống Đa từ ngày 27-9-2011. “Đoạn vỉa hè diện tích khoảng 14m2 tại số 15, 17/19 Cát Linh đã bị bóc phần gạch block và láng xi măng” đồng thời, chủ ngôi nhà số 17/19 Cát Linh đã kịp cho DN kinh doanh vật liệu xây dựng thuê mặt bằng diện tích này. Như vậy là đã rõ, các hộ dân vừa sử dụng diện tích đất sẽ bị GPMB, không được phép xây dựng, đồng thời đã lấn chiếm đất công. Tuy nhiên, vụ việc này vẫn chưa hề được xử lý và thậm chí theo một nguồn tin đáng tin cậy thì có dấu hiệu của việc hợp thức hóa nhà đất cho những trường hợp này. Trả lời câu hỏi của PV về việc vì sao UBND quận yêu cầu UBND phường phải xử lý dứt điểm các vụ việc nói trên trong năm 2011, nhưng đến nay mọi việc vẫn đang ở vạch xuất phát, ông Lê Ngọc Tú – Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám phân trần: “Đây là những trường hợp vi phạm về TTXD, nhưng phương án mà phường trình vẫn đang nằm ở quá trình phê duyệt, hiện hồ sơ đang nằm ở Phòng Tài chính quận” để chờ xét duyệt kinh phí. Điều đó có nghĩa là năm 2012 này việc giải quyết tình trạng tồn tại của những công trình “siêu mỏng, siêu méo” tại phường Quốc Tử Giám sẽ không được thực thi. Người dân thì vẫn cứ kiến nghị, UBND phường thì đổ lỗi cho thủ tục, các đối tượng lấn chiếm đất, vỉa hè vẫn cứ “hiên ngang tồn tại”, chỉ bộ mặt đô thị trở nên méo mó, thiếu mỹ quan mà thôi. Vậy là đã đã hơn hai năm trôi qua nghịch lý ấy vẫn đang tiếp tục tồn tại mặc dù theo quy trình chỉ vài ba tháng là chính quyền sở tại đã có thể chấm dứt được tình trạng nhức nhối này rồi… Và đó cũng là những lý do có thể cắt nghĩa vì sao những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở phường Quốc Tử Giám, Trung Liệt, Cát Linh… và quận Đống Đa nói chung lại tái xuất mỗi khi có công trình hạ tầng Nhà nước đầu tư triển khai trên địa bàn.