03/01/2013 9:55 AM
Theo Bộ Xây dựng, bộ định hướng cơ cấu lại các dự án bằng cách tăng diện tích nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp nhằm tháo "ngòi nổ" cho thị trường bất động sản (BĐS). Cùng với đó, Bộ Xây dựng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nguồn vốn tới 30.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng đánh giá một trong những vấn đề của thị trường BĐS là tình trạng đầu tư ồ ạt theo phong trào mà không có kế hoạch và căn cứ trên nhu cầu thực tế. Riêng Hà Nội, với khối lượng dự án BĐS hiện nay, nếu hoàn thành thì phải mất nhiều năm nữa mới tiêu thụ hết. Dư nợ tín dụng BĐS lên tới 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu cao đang trực tiếp ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, tháo "ngòi nổ" cho thị trường BĐS hiện nay là vấn đề cấp bách như cứu hỏa.

Nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng. Ảnh: Phan Anh

Về cách làm, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, một mặt rà soát, đánh giá thị trường, kiểm soát sự phát triển, có kế hoạch đầu tư phù hợp. Mặt khác, cơ cấu lại các dự án theo hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Làm nhà ở xã hội là gói kích cầu đa mục đích, người dân, DN, Nhà nước đều có lợi. Người dân có nhà, DN có việc làm, thu nhập, thị trường BĐS phát triển góp phần kích thích nền kinh tế. Vấn đề còn lại là nhà ở xã hội phải có giá thành rẻ, phù hợp với người sử dụng có thu nhập thấp, cán bộ, viên chức, người lao động hưởng lương ngân sách.

Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhiều DN BĐS cho biết sẽ chuyển đổi các dự án theo hướng tăng diện tích nhà ở xã hội. Theo Tổng Công ty CP Vinaconex, cùng với dự án nhà thu nhập thấp 18,5ha tại Khu đô thị Bắc An Khánh, dự kiến khởi công vào quý I-2013, Vinaconex đang làm thủ tục đề xuất thành phố chuyển đổi 50ha tại Khu đô thị Đại Áng (Thanh Trì) phát triển theo mô hình nhà ở xã hội. Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) dự kiến điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm, giảm diện tích nhà ở thương mại từ 19ha xuống 10ha và tăng diện tích nhà ở xã hội từ 2,4ha lên 9ha. Các DN đề nghị thành phố cho phép tăng mật độ xây dựng, giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN… để giảm giá thành sản phẩm.

Được coi là giải pháp nhằm phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng và Ngân hàng BIDV đã ký thỏa thuận dành khoản tín dụng lên tới 30.000 tỷ đồng, trong đó 10.500 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư thực hiện dự án, với mức vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, thời hạn vay tối đa 5 năm. 19.500 tỷ đồng còn lại, BIDV dành cho người mua nhà, với mức cho vay tối đa bằng 85% giá trị căn hộ, thời gian cho vay tối đa 15 năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay sẽ thấp hơn mặt bằng chung của các tổ chức tín dụng hoặc có thể thấp hơn nữa khi Nhà nước có cơ chế hỗ trợ. BIDV cho biết, đối tượng được hưởng gói tín dụng này, ngoài người được mua nhà xã hội còn có người thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình không đủ điều kiện được giải quyết nhà ở xã hội, có nhu cầu về nhà ở; đối tượng chưa có nhà hoặc có nhà nhưng hư hỏng, xuống cấp hoặc diện tích bình quân dưới 8m2/người. Chính quyền địa phương trực tiếp đầu tư hoặc mua lại nhà ở phục vụ tái định cư, làm nhà ở cho gia đình chính sách, cho cán bộ, viên chức cơ quan hành chính cũng được hưởng gói tín dụng này.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trình Chính phủ đưa ra Quốc hội xem xét trong năm 2013 theo hướng giảm 50% thuế GTGT đầu ra cho hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội; áp dụng thuế suất ưu đãi 10% thuế TNDN với thu nhập đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội. Trước mắt, nghiên cứu xây dựng nghị quyết của Quốc hội để thực hiện trong năm 2013 giảm 50% thuế GTGT đầu ra với đầu tư kinh doanh nhà xã hội, giảm 50% thuế GTGT đầu ra với đầu tư, kinh doanh căn hộ có diện tích dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; gia hạn nộp thuế GTGT với đầu tư, kinh doanh nhà ở, gia hạn nộp thuế TNDN với thu nhập từ bán nhà ở trong 12 tháng… Đây là những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS nói chung, đẩy mạnh tiêu thụ vật liệu xây dựng tồn kho, đồng thời hỗ trợ người mua nhà ở xã hội nói riêng.
  • Tiền xử lý nợ xấu lấy từ đâu?

    Tiền xử lý nợ xấu lấy từ đâu?

    Điểm mấu chốt quyết định sự phát triển của kinh tế Việt Nam năm 2013 là có xử lý được nợ xấu hay không. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ nguồn tiền xử lý nợ xấu lấy từ đâu. Một số chuyên gia cho rằng, để xử lý nợ xấu hàng trăm ngàn tỷ, Việt Nam có thể tận dụng các nguồn tiền vay từ bên ngoài.

  • Cần lưu ý khi thực hiện chia nhỏ căn hộ

    Cần lưu ý khi thực hiện chia nhỏ căn hộ

    Tại cuộc đối thoại bàn về các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản (BÐS) giữa Bộ Xây dựng với các doanh nghiệp, một trong những đề xuất được Bộ Xây dựng đưa ra là cho phép chia nhỏ căn hộ để bán. Cụ thể, đối với các căn hộ đã xây dựng, nhưng chưa bán được vì diện tích lớn, giá thành cao, thì chủ đầu tư được phép cải tạo chia căn hộ đó ra thành nhiều căn hộ có diện tích nhỏ.

  • BĐS 2013: Nhà giá thấp lên ngôi

    BĐS 2013: Nhà giá thấp lên ngôi

    Giới chuyên gia và lãnh đạo các DN BĐS lớn đều chia sẻ nhận định, năm 2013, nhà giá thấp đáp ứng nhu cầu ở thực mới có tính thanh khoản tốt. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến.

Theo Y Linh (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.