26/06/2014 11:15 PM
Thời gian qua đã có nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép được phát hiện, tuy nhiên điều đáng nói sau khi những công trình vi phạm bị “dừng” và “phạt” thì không lâu sau đó các công trình vi phạm này lại được “hợp thức hóa” bằng việc cấp GPXD bổ xung. Việc này đã tạo thành tiền lệ xấu cho hoạt động quản lý trật tự xây dựng (TTXD) tại thủ đô Hà Nội.


Cần có chế tài xử lý thích đáng các trường hợp xây dựng không phép để thiết lập kỷ cương đô thị.

Theo thống kê, tình trạng vi phạm TTXD trên phạm vi cả nước diễn ra phổ biến. Đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, tình trạng xây dựng sai phép, không phép, sai quy hoạch, thiết kế vẫn còn rất phổ biến. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, năm 2013 lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm 1.391 công trình, trong đó 799 công trình không phép, 186 công trình sai phép, còn lại là các vi phạm khác. Theo đó, 890 trường hợp bị đình chỉ, cưỡng chế xử lý 364 trường hợp. Riêng nhà siêu mỏng, siêu méo hiện vẫn còn 192/597 trường hợp chưa xử lý được.

Đặc biệt thời gian gần đây đã có nhiều công trình xây dựng cao tầng không phép được phát hiện như: Công trình xây dựng chung cư tại số 47 Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), công trình chung cư số 83 Ngọc Hồi, (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), công trình xây dựng trụ sở làm việc tại tổ 50, phường Yên Hòa, (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) xây dựng 17 tầng không phép… Ngoài ra còn rất nhiều công trình xây dựng sai phép khác được phát hiện và bị “sờ gáy”. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các thủ tục đình chỉ, xử phạt thì một số công trình còn được “tạo điều kiện” hoàn thiện GPXD. Một số ý kiến cho rằng, việc cho các công trình vi phạm này được có cơ hội hoàn thiện GPXD đã tạo thành những tiền lệ xấu trong việc quản lý TTXD.

Theo ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội thì, nếu nói việc phạt cho tồn tại và cấp phép để hợp thức cho các công trình vi phạm là chưa đúng bản chất của vấn đề, bởi việc vi phạm là phải xử phạt, nhưng không phải vi phạm nào cũng “được” phạt và được “tạo điều kiện” để cấp phép. Công trình vi phạm thì có nhiều dạng trong đó có công trình sai phép, có công trình không phép nhưng gọi chung lại đó là những công trình chưa đủ điều kiện để khởi công. Việc những công trình vi phạm sau khi bị xử phạt, được cấp có thẩm quyền cấp GPXD thuộc diện những công trình đã gần hoàn thiện các thủ tục cần thiết của công trình xây dựng, nhưng chưa được cấp phép thì đã tiến hành khởi công rồi. Những loại công trình này diễn ra rất nhiều thời gian qua, theo quy định của khoản 2, Điều II, Nghị định 180 thì những loại công trình này được diện cấp phép lại sau khi đã xử lý những vi phạm. Còn đối với những loại công trình xây dựng không phép, bị ảnh hưởng bởi các quy hoạch thì kiên quyết phá dỡ.

Ông Ngôn cũng lấy ví dụ với công trình xây dựng tại số 47 phố Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) do Cty CP Hùng Tiến - Kim Sơn là chủ đầu tư. Công trình này được thi công từ cuối năm 2009, do buông lỏng công tác quản lý TTXD tại cơ sở, công trình đã thi công xong phần thô đến tầng 21 khi chưa có GPXD. Sau đó, công trình bị Thanh tra Bộ Xây dựng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công trình này 500 triệu đồng, nhưng đến nay, chủ đầu tư tòa nhà tiếp tục vi phạm trong việc tự ý thay đổi công năng hai sàn kỹ thuật biến 2.000 m2 sàn thành ba sàn để bán, và tự ý cơi nới tầng. Ông Trần Viết Ngôn cho rằng: Với những loại công trình như thế này thì cần phải xử lý thích đáng, bởi cơ quan Nhà nước đã tạo điều kiện rất nhiều cho chủ đầu tư, nhưng sau này họ đã cố tình vi phạm thì phải xử lý.

TS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng: Làm sao để phát hiện cái sai ngay từ đầu, chứ đừng để đến khi công trình hoàn thành rồi mới phát hiện và xử lý. Với những công trình này, đập đi thì lãng phí. Nhưng cho tồn tại lại là giải pháp mang tính cực đoan. Cả hai giải pháp đều mang tính cực đoan, nhưng phải lựa chọn bởi không có giải pháp dung hòa. Cái quan trọng là xử lý làm sao để cái sai không xảy ra trong tương lai, đó là mục tiêu chính.

Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Ngọc Vinh cho biết: Ðể triển khai thực hiện Nghị định 26/2013/NÐ-CP của Chính phủ và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý trật tự xây dựng, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm về trật tự xây dựng, ngày 25/10/2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 46/2013/QÐ-UBND về kiện toàn tổ chức bộ máy của Thanh tra Sở Xây dựng, và đến ngày 14/2/2014 tiếp tục ban hành Quyết định số 09/QÐ-UB về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng với UBND cấp quận, huyện. Các văn bản này tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng làm công tác quản lý TTXD trên địa bàn TP Hà Nội. Sở Xây dựng cũng đã ban hành Văn bản số 2614 ngày 24/4/2014 về hướng dẫn xử lý quản lý trật tự xây dựng và áp dụng hệ thống biểu mẫu, sẽ là cơ sở cho công tác này trong thời gian tới.

Vũ Chiến (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.