06/05/2013 7:36 AM
UBND TP Hà Nội vừa xem xét, cho ý kiến vào một loạt tờ trình HĐND TP nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô. Trong đó, đáng chú ý, có quy định về diện tích bình quân đối với nhà thuê để được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội.

Điều kiện nhập khẩu sẽ góp phần giảm tải cho khu trung tâm Hà Nội

Nội thành cần giảm 400.000 người

Về các trường hợp được đăng ký hộ khẩu thường trú khu vực nội thành Hà Nội, tại điểm b, khoản 4 điều 19 Luật Thủ đô có quy định “đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP”. Mục tiêu của quy định này nhằm hạn chế việc di dân tự phát vào nội thành, giúp quản lý dân cư với quy mô, mật độ, cơ cấu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Cụ thể, theo Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, Hà Nội cần giảm dân số trong các quận nội thành (đặc biệt trong khu vực nội đô giảm từ 1,2 triệu dân xuống 0,8 triệu dân vào năm 2020). Phạm vi áp dụng được xác định theo địa giới hành chính các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên, Hoàng Mai và các quận mới được thành lập.

Theo đề xuất ban đầu, đối tượng là người ngoại tỉnh ( nhập cư) đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, thuê nhà ở nội thành của các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở (chưa có nhà ở thuộc sở hữu cá nhân), để được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội cần bảo đảm về diện tích bình quân 22,8m2/người giai đoạn 2013-2015. Từ năm 2015 trở đi, dự kiến tăng lên thành 25,4m2/người. Cơ quan soạn thảo cũng đưa ra diện tích bình quân tối thiểu 80,1m2/hộ gia đình trong các năm 2013-2015 và tăng lên 89,1m2/hộ từ 1-1-2015. Để phù hợp nhu cầu quản lý từng thời kỳ, ban soạn thảo đề xuất kể từ năm 2015, sau 5 năm HĐND TP sẽ điều chỉnh quy định về diện tích bình quân đối với nhà thuê.

Bỏ điều kiện diện tích với hộ gia đình

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ông Bùi Mạnh Tiến cho biết, diện tích nhà thuê bình quân để được đăng ký hộ khẩu tại các quận nội thành Hà Nội đối với các đối tượng được quy định tại điểm b, khoản 4 điều 19 Luật Thủ đô bảo đảm phù hợp với thực tiễn tại Hà Nội và phù hợp với chỉ tiêu diện tích bình quân toàn thành phố Hà Nội là 23,1m2/người trong năm 2013 và 26,6m2/người vào năm 2015. Quy định này cũng bảo đảm cao hơn chỉ tiêu diện tích tối thiểu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2015 là 6m2/người.

Thống nhất cao sự cần thiết phải ban hành quy định diện tích bình quân đối với người ngoại tỉnh đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, song Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, Luật Thủ đô chỉ đề cập tới các quy định đối với chủ thể công dân khi nhập khẩu vào nội thành Hà Nội nên đưa ra quy định diện tích bình quân đối với hộ gia đình là không cần thiết. Trong quá trình triển khai, căn cứ theo các quy định của luật, công dân nào đủ tiêu chuẩn và đáp ứng được diện tích thuê nhà bình quân như quy định thì được nhập khẩu. Tuy vậy, quy định về diện tích phải áp dụng cho cả đối tượng đi thuê nhà và người có nhà cho thuê, tránh trường hợp một diện tích nhưng cho nhiều người cùng thuê một lúc.


Quy định về diện tích phải áp dụng cho cả đối tượng đi thuê và người có nhà cho thuê

Người dân được góp vốn cải tạo nhà

Một nội dung quan trọng khác cũng liên quan tới triển khai Luật Thủ đô là giải pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954. Đây là vấn đề rất lớn đối với Hà Nội bởi theo Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có gần 1.155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu tập thể cũ (1-3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2. Nhìn chung, các khu chung cư cũ trên địa bàn đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Hà Nội hiện nay mới chỉ giải quyết một số chung cư nguy hiểm cấp D. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn thừa nhận, Hà Nội mới giải quyết được 1% số nhà chung cư cũ!

Để thay đổi con số trên, TP đưa ra 4 nhóm biện pháp để cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp. Theo đó, biện pháp về tổ chức thực hiện gồm 6 nội dung chủ yếu quy định trách nhiệm của thành phố trong xây dựng kế hoạch và lộ trình để thực hiện, bố trí vốn ngân sách để lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở mới phục vụ việc di chuyển các hộ dân và xây dựng lại trong khu vực 4 quận nội thành cũ. Biện pháp tiếp theo là thực hiện cơ chế đầu tư gồm 3 nội dung. Đáng chú ý, dự thảo cho phép người dân trong phạm vi dự án góp vốn tham gia thực hiện dự án bằng chuyển quyền sở hữu căn hộ. Biện pháp ưu đãi đối với người dân thuộc phạm vi dự án gồm 4 nội dung, trong đó đáng chú ý là việc cho phép mua nhà xã hội trong trường hợp không có nhu cầu tái định cư tại chỗ. Và cuối cùng là biện pháp ưu đãi đối với nhà đầu tư gồm 4 nội dung, theo đó thành phố sẽ cho phép nhà đầu tư xây dựng quỹ nhà trung chuyển để tạm cư. Sau khi hoàn thành dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thì thu hồi quỹ nhà để thành phố xem xét, quyết định.

Thành Nam (An ninh Thủ đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.