Ngoài diện tích thu hồi, đền bù, thành phố Hà Nội sẽ thu hồi thêm 50m hai bên đường để xây dựng tuyến phố theo quy hoạch khi thực hiện dự án xây dựng đường giao thông mới. Để có một thủ đô ngăn nắp, văn minh, liệu có phải đánh đổi bằng những con đường đắt nhất hành tinh?

Thành phố Hà Nội sẽ thu hồi đất sâu thêm hai bên đường khi thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông mới để quy hoạch và xây dựng mặt phố một cách đồng bộ . Đó là một trong những nội dung quan trong trong "Quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn" vừa được UBND thành phố ban hành.

Cụ thể, ngoài diện tích thu hồi, đền bù cho các tổ chức, cá nhân hai bên đường, thành phố sẽ thu hồi thêm 50m hai bên đường để xây dựng hai tuyến phố theo quy hoạch khi thực hiện dự án xây dựng đường giao thông mới. Để thực hiện việc này, khi lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư các dự án tổng hợp, thống kê, xác định rõ ranh giới để tiến hàng thu hồi và quy hoạch xây dựng.

Rất nhiều nhà quy hoạch đô thị cho rằng, đây là một bước đi quyết định để Hà Nội có được những mặt phố đàng hoàng và đẹp đẽ theo quy hoạch chung, thay vì chỉ lo làm đường, còn mặt phố để dân tự phát xây dựng, biến dạng với vô số kiểu nhà khác nhau và lập dị với những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo.

Ủng hộ quan điểm này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng VN cho biết, đây là việc làm cần thiết và thực chất là không mới vì đã được quy hoạch trong luật cũng như triển khai trên thực tế. Ông Liêm nói: "Trong Luật Quy hoạch đô thị đã được thông qua năm 2009 có nói đến chuyện này và ngay cả Luật Xây dựng cũng có 1 điểm yêu cầu làm thế. Đã có luật thì phải theo. Hơn nữa, các đô thị Việt Nam cần học cách tiếp thu, và thực hiện quy hoạch của các đô thị hiện đại trên thế giới để có các khi phố ngày càng đẹp hơn".

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện việc này thành công. Mỗi khi mở đường, Đã Nẵng thu hồi rộng ra hai bên, vừa tạo được quỹ đất để tái định cư và huy động vốn phát triển hạ tầng và đặc biệt là làm tốt quy hoạch đô thị, tạo được những mặt phố mới đẹp và đồng bộ.


Ở Hà Nội, cách đây khoảng 10 năm, dự án vành đai 1 Kim Liên - Ô Chợ Dừa cũng đã đề xuất làm theo mô hình này với mong muốn tạo một mô hình mới trong phát triển các đường phố. Nhưng điều đó đã không thành và Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã trở thành con phố có mặt tiền lộn xộn với nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Nguyên nhân khiến cho việc này không thành là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tốn kém cả về tiền bạc và công sức

Con đường này còn được mệnh danh "là con đường đắt nhất hành tinh" vì chi phí bồi thường quá lớn. Chính vì thế, khi trao đổi về vấn đề này, các nhà quản lý cho biết giải phóng mặt bằng đường đã rất vất vả và tốn nhiều tiền rồi, còn 2 bên đường nữa thì không làm nổi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế khó khăn trong giải phóng mặt bằng là do chúng ta không có sự đồng bộ và thống nhất về chính sách; thực hiện thiếu quyết liệt và thiếu những cách làm sáng tạo. Hậu quả là Nhà nước vẫn tốn tiền nhưng giải phóng mặt bằng vẫn khó và chậm.

Trong khi những nguồn lợi, lợi thế đất đai phát sinh từ quy hoạch, mở đường Nhà nước không được hưởng, thiếu nguồn để huy động tài chính cho xây dựng phát triển mà mặt phố thì xấu xí vì thiếu quy hoạch. Tốn kém xây đường rồi, lại vất vả đi chỉnh trang đô thị, xóa nhà siêu mỏng, siêu méo... Nếu mọi việc được làm tốt từ đầu thì chắc sẽ không nảy sinh những phức tạp như thế.

Rõ ràng đây là một việc khó nhưng muốn có một đô thị văn minh, hiện đại thì chỉ cần quyết tâm chứ không thiếu biện pháp, không thiếu cách làm. Hà Nội đi đầu và nếu thành công sẽ mở ra một cuộc cách mạng mới cho quy hoạch phát triển đô thị ở mức ta. Llàm đẹp cho thành phố, tạo dựng cuộc sống tốt hơn cho mỗi người dân cũng là việc làm cần thiết để Hà Nội và các thành phố khác cạnh tranh phát triển với các đô thị trong khu vực và thế giới.

Theo Minh Sơn (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0