31/01/2012 1:46 AM
Sở Tư pháp thổi còi, Cục Thuế nói không đúng nhưng huyện không điều chỉnh bởi cho rằng Thông tư của Bộ Tài chính yêu cầu như thế.

Đã hơn hai năm rưỡi từ khi NĐ 69/2009 về tiền sử dụng đất được ban hành, cơ chế xác định tiền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân có diện tích đất vượt hạn mức đất ở vẫn quá khó khăn, không khả thi, gỡ hoài vẫn vướng. Luật cho phép được ghi nợ, thế nhưng vẫn có nơi ra thông báo từ chối. Những câu chuyện gây bức xúc này, phản ánh mãi vẫn không chấm dứt, chỉ có dân khổ triền miên.

Những quy định về nhà đất hành dân - Bài 2: Tiền sử dụng đất xin nộp không được, ghi nợ không xong

Tiền sử dụng đất: Gỡ mấy lần rồi cũng còn vướng

Tiêu điểm

Tính tới thời điểm tháng 11-2011, chỉ riêng quận 12 đã có 721 hồ sơ, Gò Vấp có tới 450 hồ sơ phải chuyển qua thẩm định giá thị trường để xác định tiền sử dụng đất.

Bà Đoàn Thị Kiều Kiều có mảnh đất gần 380 m2 tại đường số 20, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Do diện tích đất của nhà bà vượt hạn mức đất ở của quận nên theo NĐ 69/2009 và công văn hướng dẫn của Thủ tướng, bà phải nộp tiền sử dụng đất cho gần 180 m2 theo giá thị trường đành bị ách lại.

Chờ mãi đến tháng 10-2011, bà được tin TP đã có hướng gỡ bằng QĐ 64 về hệ số điều chỉnh giá đất cho phần vượt hạn mức của hộ gia đình cá nhân. Thế nhưng lần nữa bà thất vọng bởi sau khi được gỡ vướng, nhà bà vẫn còn một phần diện tích đất bị… vịn lại. QĐ 64 chỉ nới thêm cho phần diện tích vượt hạn mức được nộp hai lần bảng giá đất do TP ban hành, nhưng chỉ tối đa bằng 50% hạn mức đất ở. Có nghĩa, quận Thủ Đức có hạn mức đất ở là 200 m2, thì phần vượt hạn mức nộp gấp hai lần bảng giá đất chỉ được tối đa 100 m2. Như vậy, bà còn 80 m2 chưa biết nộp theo cách nào, theo QĐ 64 là phải nộp theo giá thị trường bằng cách đi thuê đơn vị thẩm giá y như dự án. Vì cách này không thể khả thi, cho nên bà đành chờ đợi tiếp.

Rồi bà vui mừng nghe tin TP có kết luận một cuộc họp gỡ vướng QĐ 64. Theo đó, toàn bộ diện tích vượt hạn mức đất ở trong trường hợp công nhận quyền sử dụng đất ở, cấp giấy chứng nhận như nhà bà sẽ nộp bằng hai lần bảng giá đất, không phân biệt vượt bao nhiêu.

Nhưng thông báo chỉ mới là thông báo, không có giá trị pháp lý nên không thể áp dụng, mà phải đợi các sở, ngành soạn lại để sửa đổi QĐ 64 theo quy định. Từ đó đến nay đã mấy tháng, bà thường xuyên nghe ngóng, hỏi han khắp nơi nhưng không ai trả lời được, khi nào bà mới có thể nộp được tiền sử dụng đất.

Trường hợp như bà Kiều không phải là cá biệt mà hàng ngàn trường hợp trên TP này.

Riêng trường hợp xin chuyển mục đích đất vượt hạn mức, TP chủ trương vẫn chưa gỡ bằng việc ban hành một hệ số để tính tiền sử dụng đất mà phải đi thẩm định để ra giá thị trường. Thay vào đó, giao cho các sở và quận, huyện rà soát, báo cáo thực tế. Biết rằng chống xé lẻ đất đai, chống tái diễn phân lô tự phát, bảo vệ quỹ đất nông nghiệp là cần thiết. Nhưng những trường hợp ngay tình, hợp lý, là nhu cầu chính đáng của người dân mà cũng bị nhốt chung một rọ thì rất khó khăn.

Ghi nợ: Mập mờ cho hay không?

Để tạo điều kiện cho những trường hợp chưa đủ điều kiện nộp tiền sử dụng đất, NĐ 120/2010 cho phép người dân được quyền ghi nợ. Việc ghi nợ sẽ thể hiện bằng chữ trong giấy chứng nhận, chứ không ghi bằng số tiền cụ thể. Hiện nay, do vướng mắc trong việc xác định tiền sử dụng đất phần diện tích vượt hạn mức, có muốn nộp cũng không được nhưng nhu cầu lấy giấy chứng nhận để xin phép xây dựng nên nhiều người dân xin ghi nợ. Đa số các quận, huyện đều xem xét việc này. Chẳng hạn như quận Bình Thạnh, người dân có nhu cầu xin ghi nợ thì đến chi cục thuế nộp đơn. Nơi này chuyển hồ sơ cho UBND quận đóng dấu ghi nợ tiền sử dụng đất trong giấy chứng nhận. “Trường hợp vượt hạn mức mà người dân có nhu cầu ghi nợ thì vẫn được chấp nhận, khi đó giấy chứng nhận sẽ chú thích: Chưa xem xét nghĩa vụ tài chính” - chi cục thuế quận này cho hay. Nơi này cho rằng cách làm này vừa đáp ứng nhu cầu người dân mà cũng không ảnh hưởng hay thất thoát ngân sách nhà nước.

Riêng huyện Hóc Môn không cho dân ghi nợ. Thông báo 135 ngày 15-9-2011 của huyện này nói rõ: “Thường trực UBND huyện không thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất đối với phần diện tích vượt hạn mức đất ở. Phòng TN&MT làm việc với Chi cục Thuế huyện về việc này”. Sự việc được phản ánh đến Sở Tư pháp TP và sở này đã thổi còi thông báo của huyện Hóc Môn là trái pháp luật.

Ngày 20-12 vừa qua, huyện Hóc Môn ra thông báo mới cho biết: “Việc ghi nợ tiền sử dụng đất thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 93/2011 của Bộ Tài chính”. Tuy nhiên, có hủy bỏ thông báo cũ, tức người dân được ghi nợ hay không thì huyện Hóc Môn không nói rõ. “Thông báo như vậy là rất chung chung, không khắc phục triệt để thông báo trái pháp luật trước đó” - một cán bộ Phòng Kiểm tra văn bản thuộc Sở Tư pháp cho biết. Vị này cho hay đã báo cáo lãnh đạo Sở về việc này. Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, không khẳng định cho phép người dân được ghi nợ hay không mà chỉ trả lời: “Huyện thực hiện theo Thông tư 93”.

Theo Điều 7 Thông tư 93/2011 của Bộ Tài chính, người dân muốn ghi nợ thì nộp đơn cho Phòng TN&MT xem xét. Việc ghi nợ do Phòng TN&MT lập và ghi trong phiếu thông tin địa chính để chuyển cho chi cục thuế để xác định số tiền sử dụng đất phải nộp của hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời chi cục thuế phải lập sổ ghi nợ để theo dõi. Hiện nay, nhiều trường hợp vượt hạn mức đất không thể tính được cụ thể số tiền sử dụng đất phải nộp do vướng mắc phải đi thẩm định giá thị trường theo NĐ 69/2009 lẫn QĐ 64/2011 của TP, cho nên huyện Hóc Môn không ghi nợ cũng không phải là không có cơ sở. Vậy các quận, huyện cho ghi nợ là sai? Trao đổi với Cục Thuế TP, Phó phòng Quản lý các khoản thu từ đất Nguyễn Thị Bích Vân vẫn khẳng định giải quyết cho ghi nợ như quận Bình Thạnh là không có gì sai. “ Khi nào người dân trả nợ thì tính ra số tiền cụ thể, theo các quy định về xác định tiền sử dụng đất là không có gì trở ngại. Còn việc tính trước hay tính sau là do quy trình tại quận, huyện đó có liên thông hay không mà thôi” - bà trả lời.

Trong vai một người dân, PV đến Phòng TN&MT lẫn Chi cục Thuế huyện Hóc Môn để tìm hiểu thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất. Mất cả một buổi chiều vẫn không có nơi nào trả lời rõ ràng được ghi nợ hay không.

Một cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại chi cục thuế cho biết chi cục không có thẩm quyền mà phải được sự đồng ý của huyện. Cụ thể là trong phiếu chuyển hồ sơ từ phòng TN&MT qua chi cục thuế phải có xác nhận của phòng là trường hợp này là ghi nợ thì chi cục thuế sẽ tiến hành cho ghi nợ. “Nói trước là trường hợp vượt hạn mức chắc chắn sẽ không được phòng đồng ý ghi nợ” - nhân viên này lưu ý. Hỏi lãnh đạo chi cục thuế thì được giải đáp huyện đang giao chi cục và phòng TN&MT rà soát lại để báo cáo, chưa thể trả lời.

Hỏi chính ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện này, ông cũng cho hay: “Hiện đang bàn, chưa thể nói”. Tình cảnh này hiện rất nhiều người dân huyện Hóc Môn gặp phải: Ngơ ngác, thắc mắc không biết có được ghi nợ tiền sử dụng đất hay không, lý do vì sao.

Theo Cẩm Tú (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.