02/05/2012 8:58 AM
Sau hơn 37 năm tiến hành đô thị hoá và công nghiệp hoá, dẫu còn nhiều vấn nạn đang diễn ra như: tắc nghẽn giao thông, ngập lụt đô thị, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… nhưng cũng phải nhìn nhận rằng chúng ta đang đi đúng lộ trình và quy luật mà các nước phát triển đã trải qua.

Trước năm 1990, cả đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội, 15 năm (1975 – 1990) phải chống chiến tranh biên giới phía Bắc, Tây Nam, đối phó với lệnh cấm vận vô lý của các thế lực, kể cả những sai lầm của chúng ta gây ra trong chính sách kinh tế đã làm cho đất nước kiệt quệ. TP.HCM ở ngay cửa ngõ vựa lúa lớn nhất cả nước, vậy mà hàng năm phải nhập khẩu 800.000 tấn lương thực cứu đói. Đây là thời kỳ mà các nhà đô thị học gọi là “phát triển âm” của các đô thị Việt Nam.

Từ sau năm 1986, công cuộc đổi mới đã thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ vào các đô thị Việt Nam, tuy nhiên, sự đổi mới chỉ diễn ra mạnh mẽ ở TP.HCM từ sau năm 1990.

Đổi thay hạ tầng kỹ thuật và không gian đô thị

Đổi thay hạ tầng kỹ thuật và không gian đô thị của Sài Gòn - TP.HCM là đổi thay ngoạn mục nhất. Ảnh: Trần Việt Đức

Đây là sự thay đổi ngoạn mục nhất. Cho đến nay về cơ bản thành phố đã hoàn thành việc nâng cấp, chỉnh trang các quận nội thành. Ở khu vực trung tâm của thành phố có một sự thay đổi đến chóng mặt, hơn 100 toà cao ốc từ 30 tầng trở lên được nén chặt trong một diện tích chỉ có 930ha. Các khu nhà ổ chuột ở TP.HCM như nhà ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm dần nhường chỗ cho những khu nhà cao tầng, khu tái định cư khang trang hơn. Mỗi lần đến các khu phố mới của Phú Mỹ Hưng ở khu vực Nam Sài Gòn, người ta không chỉ ngạc nhiên về cảnh quan môi trường lý tưởng ở đây, mà còn về cả một hệ thống dịch vụ đa chức năng hoàn hảo như: trường học, bệnh viện, siêu thị, ngân hàng, công viên, khu vui chơi giải trí.

TP.HCM đang mở rộng ra bên ngoài không chỉ về không gian, mà còn về quản lý đô thị và liên kết phát triển để hình thành vùng đô thị lớn của cả nước, cũng là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố này trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước và là nơi đóng góp nhiều nhất (47%) cho GDP của cả nước, cũng như cho ngân sách quốc gia. 16 khu chế xuất và khu công nghiệp ở TP.HCM đã đóng góp rất lớn cho tiến trình công nghiệp hoá không chỉ cho thành phố, mà còn cho khu vực kinh tế phía Nam. Mặc dù bị khủng hoảng kinh tế, nhưng hình hài của Thủ Thiêm – một khu đô thị mới hiện đại tiêu biểu cho TP.HCM vào cuối thế kỷ 21 đang dần lộ diện. Đó sẽ là một trung tâm tài chính, triển lãm và giao lưu quốc tế.

Một loạt các công trình lớn xuất hiện không chỉ giải quyết vấn đề giao thông, mà còn là kích hoạt phát triển kinh tế – xã hội liên vùng như: đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm Thủ Thiêm, cầu Rạch Chiếc, cầu Phú Mỹ và việc kết nối các đường vành đai lại làm cho TP.HCM và các tỉnh/thành lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An trở thành một không gian kinh tế – xã hội liên thông.

Đổi thay văn minh đô thị và lối sống công nghiệp

Thước đo sự phát triển của một thành phố không phải chỉ bó hẹp trong nhà cao tầng, đường cao tốc, cầu vượt, mà còn được phản ánh trong đời sống và lối sống của thị dân. Sau 20 năm đổi mới, chính công nghiệp hoá đã làm thay đổi trong nhịp độ sống. Mọi người có tốc độ di chuyển nhanh, cường độ làm việc mạnh mẽ và một nhịp sống khẩn trương. Điều này không chỉ diễn ra trong hành động, mà còn trong tư duy. Người dân đô thị đã làm quen với một nhà nước pháp quyền biết thượng tôn pháp luật, biết tôn trọng các quy tắc sống đô thị, nhờ đó mà thành phố có ngăn nắp, trật tự kỷ cương, trong con mắt của bạn bè quốc tế.

Thế hệ trẻ là lớp người rất năng động, biết kiếm tiền, ăn mặc thời trang, sử dụng máy tính và ngoại ngữ thành thạo. Nhiều cách sống mới của đô thị quốc tế được người Sài Gòn tiếp nhận nhanh chóng, hình thành nên các thói quen mới như: sống ở chung cư, mua sắm trong siêu thị, sử dụng thẻ tín dụng, tiếp nhận thông tin qua mạng... Vào buổi tối, các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học đông nghẹt người học; thứ bảy, chủ nhật mọi người toả về các nhà nghỉ, các resort, bãi biển, các khu vui chơi ở ngoại thành… để tận hưởng thời gian nhàn rỗi sau một tuần làm việc cật lực. Đó chính là những nét sống mới của lối sống đô thị văn minh.

Cùng với sự thay đổi của hệ thống đô thị là sự đổi thay trong đời sống kinh tế của các hộ gia đình, của mỗi cá nhân sống trong thành phố. Máy vi tính xách tay, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số, công nghệ digital trở nên phổ biến trong đời sống thường ngày của người dân thành phố. Chất lượng sống đô thị đã bắt đầu thay đổi từ chiều rộng sang chiều sâu. Nếu cách nay mười năm, khi gặp nhau, mọi người thường hỏi về xe máy, tủ lạnh, tivi, thì nay mọi người bắt đầu hỏi thăm nhau kỳ nghỉ lễ này sẽ đi đâu, dịp hè này sẽ đi du lịch nước nào. Hàng năm có hàng trăm ngàn người đi du lịch trong nước và việc đi du lịch nước ngoài không còn xa lạ với người dân đô thị.

Đổi thay văn hoá

Một trong số các lo lắng của các quốc gia khi tiến hành đô thị hoá, công nghiệp hoá nhanh là sự suy giảm các giá trị văn hoá bản địa. Có thể nói sau hơn 20 năm đô thị hoá, những giá trị văn hoá truyền thống cơ bản của chúng ta vẫn giữ gìn được, mặc dù có không ít những nét văn hoá truyền thống đã bị mai một ít nhiều. Ở TP.HCM là nơi có sự đa dạng văn hoá – xã hội cao nhất. Mọi cư dân ở đây là từ các vùng miền khác nhau của đất nước, kể cả những người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống ngày một đông hơn. Họ mang đến đây rất nhiều sự khác biệt về tôn giáo, dân tộc, phong tục tập quán, văn hoá, lối sống, tuy nhiên, những khác biệt này đều được mọi người tự nguyện tôn trọng và cùng nhau tồn tại một cách thân thiện, mà không có bất cứ sự can thiệp nào của luật pháp.

Một số kiểu sống phương Tây đã xuất hiện ở các thành phố lớn như chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống vô cảm, nhưng mới chỉ hạn chế trong một số người, nhất là nhóm trẻ và gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ văn hoá truyền thống. Những giá trị truyền thống như: liên kết cộng đồng, kính trọng người già, đề cao gia đình… tuy có bị thách thức ở các đô thị, nhưng vẫn là những giá trị mà mọi người Việt Nam hướng đến. Những đợt quyên góp cho đồng bào bị thiên tai, cho quỹ xoá đói giảm nghèo… là những minh chứng hùng hồn cho sức sống mạnh mẽ của các giá trị văn hoá truyền thống ở đô thị lớn.

37 năm là một khoảng thời gian ngắn ngủi của lịch sử đất nước, nhưng lại là giai đoạn cực kỳ quan trọng, bởi vì, đây là giai đoạn kiến tạo nên nền tảng căn bản nhất cho đất nước hiện đại. Dẫu còn nhiều điều trăn trở, nhiều điều chưa hài lòng, nhưng chúng ta có quyền tự hào về 37 năm đã qua này.

PGS.TS Nguyễn Minh Hoà
(trưởng khoa Đô thị học, đại học Quốc gia TP.HCM)

Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.