22/04/2014 2:02 PM
Hiện đang có một “phong trào” đầu tư xây dựng các trung tâm hành chính tập trung ở nhiều tỉnh, thành với chi phí cao, quy mô lớn.

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương vừa được khánh thành hôm 20-2-2014. Ảnh Thanh Tao

Sắp có thêm nhiều trung tâm hành chính mới

Do thực hiện quy hoạch xây dựng khu trung tâm hành chính (mới) của TPHCM nên một số công trình kiến trúc trên khu đất 18.000 mét vuông (giới hạn bởi các đường Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng) đang được tháo dỡ.

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, hiện thành phố đang gấp rút tổ chức thi tuyển phương án thiết kế để đẩy nhanh tiến độ dự án... Chưa biết thành phố sẽ đầu tư bao nhiêu tiền cho công trình trọng điểm này, nhưng theo nguồn tin từ chủ đầu tư - Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM - thì không dưới con số ngàn tỉ đồng.

Thời gian gần đây chuyện đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng trung tâm hành chính không phải là cá biệt. “Đi trước” TPHCM, tỉnh Bình Dương đã bỏ ra hơn 1.400 tỉ đồng xây trung tâm hành chính (tập trung gần 60 sở, ngành). Trung tâm này gồm hai tòa tháp cao 21 tầng với 100.000 mét vuông sàn đã được đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2014. Hay trước đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chi hơn 1.000 tỉ đồng để đầu tư xây dựng trung tâm hành chính mới tại thành phố Bà Rịa.

Và, hiện tại Đà Nẵng và Lâm Đồng cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện các tòa nhà trung tâm hình chính của địa phương mình. Đà Nẵng đầu tư 1.900 tỉ đồng để xây dựng một tòa nhà cao 166,8 mét (34 tầng nổi, 2 tầng hầm) là nơi làm việc tập trung của 1.800 công chức của thành phố. Lâm Đồng đầu tư ít hơn, một cao ốc 12 tầng với 74.000 mét vuông diện tích sàn, nhưng cũng tiêu tốn hơn 1.014 tỉ đồng (sau hai lần điều chỉnh vốn đầu tư).

Không chỉ vậy, giữa tháng 3-2014, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng đã họp bàn về đề án xây dựng khu trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh. Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư dự án, trung tâm hành chính mới đặt tại khu đô thị mới Tam Phước (Biên Hòa) có tổng diện tích xây dựng 122.000 mét vuông với vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong “cuộc đua” này còn có Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định... Hiện nay quy hoạch chi tiết 1/500 khu hành chính tập trung của tỉnh Bình Thuận (rộng hơn 80.000 mét vuông tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết) đã được tỉnh này phê duyệt. Và, cuối năm 2013, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đã thông qua nghị quyết về đề án dời trung tâm hành chính tỉnh về phía Tây Nha Trang. Tổng mức đầu tư cho dự án này, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, lên đến trên 5.500 tỉ đồng...

Vì... hiệu quả?

Các tỉnh, thành có dự án xây trung tâm hành chính tập trung đều cho rằng xây dựng trung tâm hành chính mới là cần thiết, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho dân cũng như công tác quản lý.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, hiện nay các cơ quan hành chính của tỉnh này tại Nha Trang rất phân tán - bố trí không hệ thống, khoa học... nên không thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành. Hơn nữa, đa số các cơ quan hành chính hiện nay đều đóng tại các trục đường chính, các tuyến đường du lịch nên cần nhường quỹ đất này phục vụ cho du lịch, dịch vụ, thương mại.

Tương tự, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng, hầu hết trụ sở các ban ngành của thành phố hiện tại là nhà công sản từ thời bao cấp đã xuống cấp, kiến trúc lạc hậu. Đồng thời, các trụ sở này nằm rải rác nhiều nơi gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi liên hệ công việc. Dự kiến, khi trung tâm hành chính mới hoạt động, mỗi sở ngành có vị trí tầng làm việc riêng biệt. Toàn bộ khu vực tầng 1 sẽ là trung tâm giao dịch hành chính - tất cả các sở ngành đều có phòng tiếp công dân, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ở đây.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Tâm, Ban Quản lý dự án xây dựng Đà Nẵng, các sở ngành thường xuyên tiếp công dân như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường... sẽ được bố trí gần nhau trong tòa nhà trung tâm hành chính để giúp người dân tiện liên hệ.

Khi tập trung hết về một tòa nhà, ông Tâm cho rằng việc quản lý nhân viên cũng như giám sát thái độ phục vụ của cán bộ các sở ngành với người dân sẽ tốt hơn thông qua hệ thống “Quản lý tòa nhà thông minh”. Và, ngoài cái lợi đó, Nhà nước còn giảm được chi phí đáng kể khi các sở, ngành cùng sử dụng một đội xe công, hay sử dụng chung một hội trường, phòng họp...

Nói về hiệu quả của trung tâm hành chính chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi đi vào hoạt động, một quan chức ở văn phòng UBND tỉnh cho biết, theo đánh giá của các sở, ban, ngành thì việc đưa tất cả cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể vào trung tâm hành chính rất thuận lợi trong quan hệ công việc giữa các đơn vị. Ngoài việc cán bộ viên chức hài lòng thì người dân và doanh nghiệp cũng được thuận tiện khi đến cơ quan nhà nước làm việc.

Còn lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận thấy trung tâm hành chính tập trung làm cho các cơ quan nhà nước “gọn hơn”, đặc biệt giảm được chi phí xe, xăng đi lại, chi phí bưu điện chuyển công văn (từ cơ quan này đến cơ quan khác đều đưa trực tiếp), chi phí bảo vệ, cây xanh...

Thận trọng với... ngàn tỉ!

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tính toán, trong hơn 5.500 tỉ đồng đầu tư cho trung tâm hành chính mới thì tỉnh chỉ phải chi khoảng 2.000 tỉ đồng, hơn 3.500 tỉ đồng còn lại sẽ “lấy” từ nguồn thu quỹ đất của các cơ quan hiện hữu. Đà Nẵng cũng tính như thế, nhưng cho đến nay vốn đầu tư xây dựng tòa nhà trung tâm hành chính đều lấy từ nguồn ngân sách chứ chưa bán được các công sở.

Sở Xây dựng Bình Dương cũng cho biết đối với trụ sở cũ của các cơ quan sau khi dời đi, UBND tỉnh đã giao cho sở lên phương án xử lý. Cụ thể, với các sở đang có trụ sở tại phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một sẽ được dùng là nơi làm việc của một số đơn vị sự nghiệp; trụ sở một số sở ngành khác sẽ được bán đấu giá hoặc hoán đổi công năng nhằm thu hồi vốn bù đắp chi phí xây dựng trung tâm chính trị - hành chính mới.

Tương tự, tỉnh Lâm Đồng đã lên kế hoạch bán và cho thuê 19 biệt thự, năm nhà ở tại Đà Lạt hiện đang được trưng dụng để làm công sở nhằm tạo kinh phí xây khu hành chính tập trung. Theo tính toán sơ bộ, đợt bán và cho thuê biệt thự, nhà công sản sẽ giúp tỉnh Lâm Đồng có hơn 455 tỉ đồng đầu tư cho khu hành chính tập trung. Nhưng sau nhiều lần chào giá đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư quyết định mua hoặc thuê các biệt thự công.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nếu có tiền xây các trung tâm hành chính tập trung cũng tốt. Tuy nhiên, đối với các trung tâm hành chính tập trung cần phải chú ý đến hạ tầng giao thông. “Thực tế tôi thấy có nhiều trung tâm hành chính xây rất hoành tráng nhưng người dân đến lèo tèo - xây quá nhu cầu - do tầm nhìn quá xa. Nhưng cũng có trung tâm hành chính tập trung quá nhiều sở, ngành, đối với trường hợp này cần tính đến yếu tố kẹt xe”, ông Sơn nói.

Việc một số tỉnh, thành tập trung các cơ quan hành chính vào một tòa cao ốc, theo ông Sơn, là không nhất thiết và tùy thuộc vào từng địa phương. Ông cho rằng, một địa điểm như Đà Lạt mà xây cao ốc thì không thích hợp lắm. Ở đó, theo ông, chính quyền nên tận dụng những ngôi biệt thự cũ có giá trị, tu bổ lại để làm trung tâm hành chính sẽ hợp lý hơn - vì khu hành chính tập trung chỉ cần đáp ứng yêu cầu các sở, ban ngành đi bộ qua lại với nhau (bán kính 800 mét) là được.

Ông Sơn cũng lưu ý chính quyền TPHCM về vấn đề hạ tầng quá tải khi xây trung tâm hành chính tập trung; cũng như các công trình có giá trị kiến trúc, di sản cần phải được bảo tồn...

Quang Chung (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.