Nhiều chính sách mới sẽ được áp dụng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân Images: Mạnh Dũng |
Chiến
lược phát triển nhà ở quốc gia đã đề ra. Theo đó, nhà đầu tư kinh doanh
bất động sản ngoài việc phát triển nhà ở thương mại phải chú trọng cả
nhà ở xã hội.
Tầm nhìn dài hạn, định hướng cụ thể
Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở để từng bước đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp dân cư cả khu vực đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, đại đa số người dân vẫn khó tiếp cận với nhà ở mặc dù thị trường bất động sản dư cung, ế ẩm. Để khắc phục thực trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thời gian tới, sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, giá cả hợp lý, đặc biệt là sẽ thực hiện quyết liệt để người nghèo có nhà ở.
Trong
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020, tầm nhìn đến 2030 mà Thủ
tướng Chính phủ vừa phê duyệt đã khẳng định những quan điểm rất quan
trọng. Đó là: "Nhà ở là điều kiện để phát triển con người toàn diện, là
một trong những nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực trong
thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá", và "giải quyết vấn đề nhà ở là
trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân". Đây là lần đầu
tiên Việt Nam có một Chiến lược quốc gia về nhà ở với tầm nhìn dài hạn
và có nhiều nội dung định hướng cụ thể cho các nhóm đối tượng khác nhau
trong xã hội.
Việc phát triển nhà ở không chỉ theo cơ chế thị trường mà Nhà nước có trách nhiệm can thiệp hoặc hỗ trợ để người dân có nhà ở, đặc biệt là những đối tượng thu nhập thấp, không có điều kiện thanh toán mua nhà ở theo cơ chế thị trường. Điều đó cho thấy, Chiến lược nhà ở lần này là một bước hiện thực hoá đường lối của Đảng về phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó, ta dùng phương tiện thị trường để thực hiện các mục tiêu XHCN - mục tiêu vì con người, mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.
Để
thực hiện các quan điểm nêu trên, Chiến lược đã yêu cầu, một mặt phải
tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về đầu tư xây
dựng liên quan đến phát triển nhà ở để thúc đẩy phát triển nhà ở theo cơ
chế thị trường, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân có khả năng
thanh toán theo cơ chế thị trường. Mặt khác, phải xây dựng chính sách để
hỗ trợ những người khó khăn về nhà ở, là những người không có đủ khả
năng mua nhà hoặc thuê nhà theo cơ chế thị trường.
Cần những giải pháp đột phá
Một
trong những điểm mấu chốt để tạo ra bước đột phá trong thực hiện Chiến
lược đó là giải pháp về quy hoạch, cần phải xác định rõ khu vực đất dành
cho nhà ở xã hội ngay trong quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để
quản lý và xây dựng nhà ở xã hội. Trong giải pháp về kế hoạch, cần pháp
lệnh hoá các chỉ tiêu về xây dựng nhà ở xã hội trong dài hạn, trung hạn
và hàng năm đối với từng địa phương để thực hiện bắt buộc thay vì thực
hiện tự nguyện như hiện nay. Từ thực tế tại các địa phương, Bộ Xây dựng
cho rằng, cần có sự can thiệp của Nhà nước để điều tiết quỹ nhà ở xã hội
phục vụ các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp tại khu vực đô
thị, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, giải pháp quan trọng về tài
chính đã được xác định là: Ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần
phải xây dựng quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ về vốn cho người dân có nhu
cầu phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, một mặt tạo dựng chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, mặt khác trực tiếp đầu tư để có quỹ nhà tái định cư, nhà cho thuê giá rẻ hoặc nhà cho thuê mua giá rẻ… Các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước và người dân cũng được tham gia xây dựng nhà ở xã hội như: nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cho học sinh, sinh viên thuê theo quy chuẩn, tiêu chuẩn do các cơ quan quản lý ban hành.
Năm 2012, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã bàn giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại dự án được tiếp tục, dự án cần tạm dừng, dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bộ yêu cầu chủ đầu tư đang triển khai các dự án phát triển nhà ở thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội. |